1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Ngân hàng muốn thêm người “người gác cổng” khi sửa Luật Phòng chống rửa tiền

Ngân hàng muốn thêm người “người gác cổng” khi sửa Luật Phòng chống rửa tiền

thứ ba, 4/1/2022 22:32 GMT+07
(PLM) - Trong đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn bổ sung “người gác cổng” là các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp các loại hình dịch vụ tiềm ẩn rủi ro rửa tiền...

Nhiều lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền ngoài vòng pháp lý

Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) 2012 quy định 4 nhóm đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức tài chính (FI); Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (DNFBPs); Tổ chức, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với Tổ chức tài chính (FI); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến PCRT.

Trong 4 nhóm đối tượng áp dụng, có 2 nhóm đối tượng được quy định là “đối tượng báo cáo” gồm: Các tổ chức tài chính (FIs) là các tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT; và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (DNFBPs) thực hiện một hoặc một số hoạt động theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật PCRT.

Theo ông Phạm Tiên Phong (Cục trưởng Cục PCRT, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), về cơ bản, đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp PCRT, thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp, lưu giữ thông tin theo quy định của Luật PCRT. Các đối tượng báo cáo đóng vai trò như người “người gác cổng” với trách nhiệm báo cáo Ngân hàng nhà nước khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Do đó, đối tượng báo cáo là các tổ chức, cá nhân có vai trò quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả công tác PCRT...

Dịch vụ cầm đồ là một trong những lĩnh vực ngành nghề được đề xuất phải báo cáo và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền.
Dịch vụ cầm đồ là một trong những lĩnh vực ngành nghề được đề xuất phải báo cáo và chịu sự điều chỉnh của pháp luật

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, nếu các lĩnh vực ngành nghề có rủi ro rửa tiền chưa được đưa vào là đối tượng báo cáo để triển khai nghĩa vụ PCRT sẽ làm giảm hiệu quả của công tác PCRT. Đồng thời, các lĩnh vực chưa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT dễ dàng bị tội phạm lạm dụng cho các mục đích tội phạm trong đó có hoạt động rửa tiền.

Những lĩnh vực ngành nghề được nhắc tới là: Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản ảo; Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến (cho vay ngân hàng): Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Đòi hỏi tất yếu…

Lý giải việc Ngân hàng Nhà nước muốn bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề thuộc đối tượng phải báo cáo để triển khai nghĩa vụ PCRT, ông Phạm Tiên Phong cho biết, đó là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Bởi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động của các FI và DNFPBs phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều loại hình, phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng mới. Bên cạnh mặt tích cực, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới này cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích tội phạm nói chung trong đó có rửa tiền.

Theo Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), các quốc gia trên thế giới đã và đang đưa thực hiện các biện pháp để quản lý các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, một trong các biện pháp đó là đưa các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các lĩnh vực này trở thành đối tượng báo cáo và chịu sự điều chỉnh của pháp luật về PCRT…

Cũng theo lãnh đạo Cục PCRT, mặc dù việc đưa các đối tượng này trở thành đối tượng báo cáo sẽ dẫn tới việc gia tăng chi phí và công việc cho các tổ chức báo cáo và các cơ quan quản lý nhưng chi phí này chắc chắn không lớn mà sẽ phục vụ cho lợi ích chính đáng trong quá trình điều hành, phòng ngừa rủi ro của các tổ chức này mặt khác mang lại nhiều lợi ích về nhiều mặt cho xã hội.

Cục trưởng Cục PCRT, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước
Cục trưởng Cục PCRT, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước


Việc mở rộng phạm vi đối tượng báo cáo sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền; đối tượng báo cáo bắt buộc phải xây dựng và triển khai cơ chế PCRT và tuân thủ các nghĩa vụ PCRT như thực hiện nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, báo cáo giao dịch đáng ngờ… qua đó giảm thiểu rủi ro rửa tiền xảy ra ở đối tượng báo cáo, góp phần làm lành mạnh, an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền được cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin từ các đối tượng, lĩnh vực khác nhau để phân tích, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến rửa tiền, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh PCRT...

Việc này cũng góp phần tăng cường nhận thức về công tác PCRT đến nhóm các đối tượng báo cáo được mở rộng. Qua đó sẽ góp phần giảm thiểu tội phạm, đặc biệt là các tội phạm kinh tế gắn với tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu…, tăng cường trật tự, an toàn xã hội, tăng niềm tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Hiện Dự án Luật PCRT (sửa đổi) đang được Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội...

“Việc mở rộng phạm vi của đối tượng báo cáo nói riêng và việc sửa đổi, bổ sung Luật PCRT cũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về PCRT và sẽ nhận được sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng quốc tế, qua đó tạo vị thế, môi trường hợp tác đầu tư, thương mại, tạo thuận lợi để Việt Nam được hưởng các chính sách ưu đãi (chi phí vay, thời gian vay, thời gian trả nợ, nội dụng vay, hạn mức vay...) cũng như góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, phát triển các ngành kinh tế...”- ông Phạm Tiên Phong khẳng định.


Thanh Thanh