1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại

Phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại

thứ tư, 21/2/2024 09:24 GMT+07
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thời gian qua, số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Giai đoạn 2001-2011 mới có 50 vụ, giai đoạn 2012-2022 lên tới 172 vụ.
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Ảnh MINH KHÔI
Dây chuyền sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên (thuộc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Ảnh MINH KHÔI

Đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt gần 250 vụ việc; trong đó, thép là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thường xuyên liên quan các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong giai đoạn 2004-2022, đã có 70 vụ kiện của các quốc gia đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ...

Theo VSA, trong giai đoạn 2004-2022, đã có 70 vụ kiện của các quốc gia đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ...

Qua theo dõi diễn biến gần đây cho thấy, những vụ kiện này không chỉ đến từ các thị trường xuất khẩu lớn và “khó tính” như Hoa Kỳ, Canada, EU mà ngay tại thị trường “ruột” của Việt Nam trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,...

Đặc biệt, gần đây, Mexico và Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang những thị trường này ngày một gia tăng.

Thép xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện phòng vệ thương mại ở bất cứ quốc gia nào, nguyên nhân do các doanh nghiệp còn chủ quan khi chưa chuẩn bị bài bản về chiến lược xuất khẩu; một số doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt đã cố tình gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, các nước đều có xu hướng phát triển và bảo hộ ngành sản xuất nội địa, trong khi thép lại là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Các nước khởi kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép Việt Nam là nhằm mục đích bảo hộ các ngành kinh tế trong nước.

Dự báo thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn, các quốc gia có xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước.

Thực tế này khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là mặt hàng thép sẽ ngày càng phải đối mặt nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại mới. Để phòng tránh rủi ro trong kiện phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị sẵn sàng bằng việc xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, tính trước các nguy cơ rủi ro có thể phát sinh và chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp không nên “để hết trứng vào một giỏ”, nên mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong thương mại quốc tế. Các cơ quan quản lý chức năng thường xuyên chia sẻ, định hướng thị trường cho doanh nghiệp; có biện pháp bảo vệ và giám sát thị trường hữu hiệu để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ.

Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp xuất khẩu thép phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, nghiêm túc đầu tư hệ thống chứng từ sổ sách hạch toán, kế toán trong quản lý kinh doanh. Một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn mực quốc tế là bằng chứng mạnh mẽ nhất giúp doanh nghiệp tự bảo vệ mình.


Nguồn: https://nhandan.vn/phong-tranh-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-post796868.html