1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội

TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội

thứ hai, 24/7/2023 22:26 GMT+07
Kế hoạch trong năm 2023, Sở Thông tin truyền thông (TTTT) TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Qua đó, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý hoặc chuyển Thanh tra Sở xử lý theo quy định và ước tính sẽ xử lý hơn 120 trường hợp.
TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.

Theo báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024, Sở TTTT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 468 tin, bài có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo.

Ngoài ra, Sở TTTT cũng chuyển 76 tài khoản mạng xã hội nước ngoài đang đăng tải các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch để Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xem xét, xử lý theo quy định.

Kế hoạch trong năm 2023, Sở TTTT sẽ rà soát hơn 2.000 trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Qua đó, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý hoặc chuyển Thanh tra Sở xử lý theo quy định và ước tính sẽ xử lý hơn 120 trường hợp.

Về rà soát, chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Sở đã mời 7 đơn vị đến làm việc, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xử lý 4 trường hợp liên quan đến quảng cáo trên không gian mạng.

Trước đó, Sở TTTT cũng đã có báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh về tình trạng quảng cáo trên internet, nhất là các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam ngày càng phổ biến và hết sức phức tạp. Nhiều quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm đến văn hóa, thuần phong mỹ tục… ảnh hưởng đến người dân.

Về kế hoạch năm 2024, Sở TTTT cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. Chữ ký số sẽ được tích hợp trên hệ thống để người dân và doanh nghiệp có thể ký trực tiếp vào các biểu mẫu điện tử, có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, tổ chức vận hành các nền tảng số dùng chung của Thành phố như: Nền tảng bản đồ số; nền tảng tổng hợp kinh tế - xã hội; nền tảng số hóa và lưu trữ; nền tảng ứng dụng di động thống nhất; nền tảng tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị người dân qua tổng đài 1022 (nâng cấp); nền tảng phân tích, khai thác dữ liệu TP Hồ Chí Minh…

Hiện nay, Sở đang triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố, tập trung vào ba nhóm dữ liệu; trong đó, nhóm dữ liệu về người dân gồm dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh; nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp gồm dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể; nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị gồm dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch - kiến trúc.