1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Đường sắt tốc độ cao sẽ ưu tiên vận chuyển hành khách

Đường sắt tốc độ cao sẽ ưu tiên vận chuyển hành khách

thứ tư, 21/2/2024 19:51 GMT+07
Ngày 19/2/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Một đoàn tàu của TCty Đường sắt đang đi qua đèo Hải Vân. (Ảnh: Mến Thương) Một đoàn tàu của TCty Đường sắt đang đi qua đèo Hải Vân. (Ảnh: Mến Thương)

Thường trực Chính phủ yêu cầu xây dựng đường sắt tốc độ cao phải hiện đại, đồng bộ, bền vững. Nghiên cứu tuyến này phải đặt trong tổng thể phát triển quy hoạch, dự báo chiến lược về nhu cầu của cả 5 phương thức giao thông trong dài hạn gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.

Bộ GTVT phân tích lợi thế từng phương thức, làm rõ ưu điểm của vận tải đường sắt tốc độ cao là tập trung vận chuyển hành khách, tương hỗ với hàng không, chỉ vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Vận chuyển hàng hóa tập trung vào đường sắt hiện tại, hàng hải, vận tải thủy ven bờ, đường bộ. Trên cơ sở này, Bộ đánh giá, giải trình thuyết phục đề xuất phương án đầu tư.

Ngoài hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang, thường trực Chính phủ yêu cầu mở rộng phạm vi thêm đoạn TP HCM - Cần Thơ.

Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất, so sánh đồng thời vận chuyển hành khách và hàng hóa với chỉ chở khách. Hướng tuyến phải thẳng nhất có thể, tạo không gian mới, giảm số lượng ga để giảm chi phí.

Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT sớm phối hợp Văn phòng Chính phủ lập tổ công tác triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng. Dự kiến tổ công tác họp mỗi tháng 1 lần để xử lý, thúc đẩy chuẩn bị, thực hiện dự án.

Bộ KH&ĐT triển khai thủ tục sớm hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; có phương án hợp tác với nhà tài trợ nước ngoài huy động vốn cho dự án; cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu triển khai dự án.

Bộ Tài chính tính toán tác động của đầu tư dự án đến nợ công; ưu tiên phân bổ dự toán ngân sách hàng năm để phát triển khoa học, công nghệ lĩnh vực đường sắt.

Tháng 11/2023, Bộ GTVT xin ý kiến các Bộ, ngành về 3 kịch bản đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2 là xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.

Kết luận của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Văn bản 57/TB-VPCP cũng có nội dung yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Quảng Ninh kéo dài).
Cần sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - TP HCM chủ yếu là hành khách. Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.
Sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.


Có thể bạn quan tâm