1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM: Đề xuất nhiều giải pháp để giải phóng mặt bằng đạt tiến độ

XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM: Đề xuất nhiều giải pháp để giải phóng mặt bằng đạt tiến độ

thứ bảy, 17/9/2022 08:40 GMT+07
Theo Bộ Giao thông Vận tải, công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cho địa phương hiện đã hoàn thành. Tuy nhiên, việc địa phương bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng các gói thầu để khởi công vào cuối tháng 11/2022 còn gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Theo Báo cáo tình hình triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT) của Bộ GTVT, dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km), Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Hiện dự án đang triển khai để đáp ứng các mốc tiến độ Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 đề ra. Ngày 13/7/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo của bước thực hiện đầu tư. Tính đến nay, đã bàn giao cho các địa phương 721,3km tuyến chính cao tốc (đạt 100%). Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay là yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP, đến 20/11/2022 các địa phương bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công. Trong khi thực tế một số khu vực tái định cư dự án hiện vẫn chưa có trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác khai thác vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu đắp nền, cần nhiều bước triển khai và là yếu tố quyết định tiến độ thi công của dự án. Nhưng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn vật liệu cát đắp rất khó khăn, chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp với nguồn cung hạn chế.

Ngoài ra, vốn để thực hiện các công việc trong bước thực hiện đầu tư chưa được phân bổ. Nếu không sớm bố trí vốn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, đặc biệt công tác GPMB.

Để triển khai dự án theo kịp tiến độ, Bộ GTVT cam kết sẽ nỗ lực tổ chức các công việc để khởi công dự án trước 31/12/2022, triển khai thi công đồng loạt trước 31/3/2023, gồm: Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra… lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp; Thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu xây lắp; Lựa chọn nhà thầu xây lắp triển khai các thủ tục để khởi công dự án.

Bộ GTVT cũng cho hay, ngày 13/7/2022, Bộ đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần, trong đó tách riêng công tác GPMB giao UBND các tỉnh thành tổ chức thực hiện. Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư theo quy định; 

Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để bảo đảm cơ sở thực hiện công tác GPMB. Tổ chức thực hiện công tác đền bù GPMB để bàn giao 70% diện tích các gói thầu khởi công trước 20/11/2022. Tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để rà soát mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải. Xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng cho gói thầu/dự án thành phần. UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang rà soát, bổ sung các mỏ cát và nâng công suất các mỏ đang khai thác để bảo đảm nguồn cung cho các dự án cao tốc tại khu vực ĐBSCL.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án thành phần.