1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Yếu tố quyết định sự thành công của 2 ca can thiệp bào thai đầu tiên tại Việt Nam

Yếu tố quyết định sự thành công của 2 ca can thiệp bào thai đầu tiên tại Việt Nam

thứ ba, 16/1/2024 09:04 GMT+07
Theo Sở Y tế TP HCM, sự kết hợp của ít nhất 4 yếu tố đã quyết định thành công của 2 trường hợp thông tim can thiệp bào thai đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 và ê-kíp thông tim can thiệp bào thai hội ý trước can thiệp cho thai phụ và bào thai ngày 12/1/2024. PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 và ê-kíp thông tim can thiệp bào thai hội ý trước can thiệp cho thai phụ và bào thai ngày 12/1/2024.

4 yếu tố quyết định sự thành công

Chỉ cách nhau 7 ngày, 2 bệnh viện tại TP HCM đã thực hiện thành công 2 ca thông tim can thiệp bào thai đầu tiên tại Việt Nam.

Sở Y tế TP HCM nhận định: "Việc thông tim can thiệp cho trẻ nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh vốn rất khó, khó hơn khi 2 trường hợp nêu trên lại là thông tim can thiệp cho bào thai đang mắc bệnh tim bẩm sinh nằm trong bụng mẹ ở độ tuổi 29 - 32 tuần. Tuy nhiên, 2 ca can thiệp này lại thành công ngoạn mục. Chính kỹ thuật chuyên sâu này đã ngăn chặn được diễn tiến xấu và nguy cơ gây tử vong khó tránh khỏi trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi sinh ra do cả hai đều mắc phải 2 loại dị tật tim bẩm sinh rất nặng là hẹp van động mạch phổi - thiểu sản thất phải và hẹp van động mạch chủ - thiểu sản thất trái."

Đơn vị cho rằng, có 4 yếu tố quyết định sự thành công của 2 trường hợp thông tim can thiệp bào thai đầu tiên này là:

Thứ nhất là sự chính xác trong kỹ thuật siêu âm chẩn đoán tim bẩm sinh bào thai của các bác sĩ chuyên ngành Tim mạch Nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1. Các bác sĩ đã chẩn đoán chính xác các tổn thương của tim bào thai, từ đó mới hướng dẫn cho can thiệp thông tim bào thai chính xác.

Thứ hai là trải nghiệm tay nghề ở mức chính xác tuyệt đối trong lĩnh vực can thiệp bào thai của các bác sĩ chuyên ngành can thiệp bào thai của các bác sĩ Sản khoa của Bệnh viện Từ Dũ.

Thứ ba là trải nghiệm tay nghề ở mức chính xác tuyệt đối trong lĩnh vực thông tim can thiệp của các bác sĩ chuyên ngành thông tim can thiệp trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Thứ tư là sự chủ động phối hợp, hợp tác tất cả vì người bệnh của các bệnh viện trên địa bàn TP HCM, cụ thể là phối hợp Sản – Nhi của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1.

2 ca thông tim bào thai đầu tiên tại Việt Nam

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, sản phụ L (sinh năm 1996) lần đầu mang thai và được theo dõi thai kỳ tại Đà Nẵng được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ vì phát hiện thai có bất thường nặng về tim, một dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải. Trong quá trình theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, bất thường tim thai bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra.

Bệnh viện Từ Dũ đã hội chẩn liên viện khẩn cấp với Bệnh viện Nhi Đồng và quyết định can thiệp bào thai bán khẩn nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.

9h sáng 4/1, ê-kíp can thiệp của 2 bệnh viện bắt đầu tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai. Sau can thiệp thông van tim cho bào thai, siêu âm kiểm tra thấy dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.

Với sự thành công của ca can thiệp, Sở Y tế TP HCM nhận định, đây thực sự là một bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực.

7 ngày sau đó, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 lại tiếp tục can thiệp thành công trường hợp bào thai mắc tim bẩm sinh rất nặng thứ hai, bào thai bị hẹp van động mạch chủ, thiểu sản thất trái với nguy cơ tử vong rất cao ngay khi thai nhi được sinh ra.

Trong quá trình khám thai, thai phụ N.P.P.A (27 tuổi) được phát hiện bào thai có bất thường về tim lúc thai 21 tuần với chẩn đoán là hẹp van động mạch chủ tiến triển, thai phụ đã được tiến hành chọc ối xét nghiệm di truyền Array...

Hội chẩn các chuyên gia bào thai và tim mạch trẻ em đều nhận định trường hợp này nếu không can thiệp bào thai khẩn hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi thì khả năng thai sẽ mất trong bụng mẹ rất cao (tỉ lệ thai lưu > 50%) hoặc để lại di chứng.

9h15 ngày 12/1 ê-kíp chuyên khoa can thiệp bào thai và thông tim can thiệp trẻ em của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt đầu thực hiện thông tim can thiệp xuyên tử cung cho thai phụ.

Cuộc phẫu thuật kết thúc lúc 11h và thành công tốt đẹp. Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đã trực tiếp đến chúc mừng ê-kíp can thiệp trường hợp đặc biệt này của 2 bệnh viện.

Bệnh tim bẩm sinh là một trong những loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, xảy ra ở khoảng 6 trên 1000 trẻ sơ sinh còn sống. Đây là nguyên nhân số 1 gây tử vong ở trẻ sơ sinh do dị tật bẩm sinh ở hầu hết các nước phương Tây. Ngoài gánh nặng cho đứa trẻ và gia đình, gánh nặng tài chính cho y tế và xã hội còn rất cao. Tại Mỹ, chi phí liên quan đến bệnh tim bẩm sinh ước tính hơn 1,4 tỷ USD mỗi năm.