1. Trang chủ /
  2. Kịp thời giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra cho ngành Tư pháp 2 nước Việt Nam-Lào

Kịp thời giải quyết nhiều vấn đề mới đặt ra cho ngành Tư pháp 2 nước Việt Nam-Lào

thứ sáu, 26/8/2022 11:00 GMT+07
(PLM) - Chiều 24/8, tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã diễn ra Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 5. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây-vi Xi-bua Li-pha.

Nhiều thoả thuận hợp tác được triển khai hiệu quả

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh “Việc tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ 5 là cần thiết và có ý nghĩa hết sức thiết thực... Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ tư, tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa hai Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh đường biên và một số tỉnh khác của hai nước Việt Nam - Lào nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sinh sống dọc biên giới hai nước được ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng mà Hiến pháp của hai nước đã dành cho họ”.



Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, “Tôi hi vọng các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ phát huy tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em” để trao đổi thẳng thắn, đề xuất các nội dung, phương thức hợp tác hữu hiệu nhằm phối hợp giải quyết các hệ quả pháp lý phát sinh từ việc di dân tự do, nhập quốc tịch, cho thôi quốc tịch, đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới ký ngày 8/7/2013, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong thi hành án dân sự giữa hai nước.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết: Thực hiện kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 4 (tháng 7/2018, Thủ đô Viêng-Chăn, Lào) đến nay đã có nhiều hoạt động được triển khai. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp hai nước đã thực hiện các thỏa thuận có liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp và các chương trình hợp tác của hai Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp có chung đường biên.

Đến thời điểm này, hai Bên đã hoàn thành việc xác định các đối tượng thuộc diện giải quyết theo Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về xử lý vấn đề quốc tịch, hộ tịch của người di cư tự do và đã giải quyết được cho hàng ngàn người dân của mỗi nước được nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định về pháp lý để người dân sinh sống, làm ăn ổn định tại khu vực biên giới. Tính đến ngày 14/11/2019, trên cơ sở danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước Việt Nam và Lào phê duyệt, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực trực tiếp chỉ đạo các Sở Tư pháp hướng dẫn người dân lập hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và đã hoàn tất thủ tục trình Chủ tịch nước xem xét, ra Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 1.439/1.836 trường hợp được phê duyệt. Sau khi Thỏa thuận hết hiệu lực, căn cứ ý kiến thống nhất của hai Bên, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình Chủ tịch nước ra Quyết định cho phép 77/397 trường hợp còn lại được nhập quốc tịch Việt Nam.


Các địa phương như Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp các tỉnh như Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam phối hợp với cơ quan tư pháp các tỉnh đường biên của Lào để khảo sát, thống kê, rà soát, phân loại, lập danh sách người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của hai Bên và trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới hai nước xem xét, phê duyệt danh sách.

Tại các tỉnh Sơn La, Quảng Bình, Quảng Nam đã thành lập các Tổ công tác liên ngành để giải quyết việc nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho người dân di cư tự do, kết hôn không giá thú trên địa bàn tỉnh. Về việc hợp tác tương trợ tư pháp, thi hành án dân sự theo Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào được quan tâm phối hợp triển khai. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan THADS tại 10 địa phương có chung đường biên giới đã tổ chức thi hành xong 104/147 vụ việc, đang thi hành 26 việc, chưa có điều kiện 17 việc; về tiền, đã thi hành xong gần 300 triệu/550 triệu đồng, đang thi hành hơn 106 triệu đồng… Ở cấp địa phương, các cuộc trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức giữa các Sở Tư pháp, Cục THADS của Việt Nam và Lào đã được tăng cường tổ chức thúc đẩy triển khai công tác thi hành án dân sự, phổ biến GDPL, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho người dân vùng biên. 

Bên cạnh đó, việc hợp tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào cũng được đặc biệt quan tâm. Điển hình, hai Bên đã triển khai Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào, Bộ Tư pháp Việt Nam (Học viện Tư pháp) và Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp Lào). Trường Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở giáo dục, đào tạo khác của Bộ Tư pháp Việt Nam cũng có những hoạt động cụ thể để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp Lào và đào tạo nguồn nhân lực về luật cho Lào. 


Tháo gỡ nhiều vấn đề mới đặt ra cho ngành tư pháp 2 nước

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 6 báo cáo tham luận của các đại biểu là cán bộ tư pháp Việt Nam và Lào nêu lên những yêu cầu mới đặt ra cho ngành tư pháp 2 nước như các vấn đề công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ở các địa phương vùng biên; Công tác phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam-Lào; Đánh giá về công tác THADS ở vùng biên giới Việt- Lào; Đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp Trung ương và đại phương, kết quả hoạt động dự án ODA hỗ trợ học viện Tư pháp quốc gia Lào; Đánh giá tình hình triển khai thực hiện, cập nhật việc đàm phán và ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và Lào.

Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 5 đã thông qua các kết luận hết sức quan trọng. Phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây vi-Xi-bua-lị-pha bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, những kết quả quan trọng đạt được tại Hội nghị này sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt, toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Lào và Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. 


Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo ngành Tư pháp hai nước đã ký kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào năm 2023, Thỏa thuận hợp tác giữa trường Cao đẳng Luật miền Trung và Học viện Tư pháp Quốc gia Lào; Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào).