1. Trang chủ /
  2. Kỳ 1 - Điểm mặt những điểm khai thác khoáng sản trái phép ở Hà Giang

Kỳ 1 - Điểm mặt những điểm khai thác khoáng sản trái phép ở Hà Giang

thứ sáu, 6/5/2022 08:55 GMT+07
(PLM) - Quá trình thi công xây dựng đường trên vùng Cao nguyên đá, một số đơn vị đã tranh thủ khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép.
Một điểm tập kết, khai thác đá vôi trái phép ở xã Bát Đại Sơn. (H.N)

Lời tòa soạn: Ưu tiên xây dựng đường giao thông ở khu vực miền núi khó khăn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng công trình giao thông ở vùng núi cao, một số ít doanh nghiệp đã tranh thủ khai thác khoáng sản trái phép để bán kiếm lời.

Đánh liều khai thác đá trái phép... và hệ lụy “chảy máu” tài nguyên quốc gia

Thời gian qua, người dân ở huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) phản ánh trên địa bàn xuất hiện tình trạng khai thác đá vôi trái phép làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, có cả những hộ khai thác nhỏ lẻ và một số doanh nghiệp thi công công trình giao thông.

Có mặt tại địa phương, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được một người dân bản địa dẫn đi ghi nhận tại một điểm khai thác đá vôi trái phép để sử dụng sản xuất gạch bi tại thôn Tùng Vài Phìn, xã Tùng Vài chỉ với vài ba công nhân loay hoay xay đá. Theo người dẫn đường, nơi này trước đây vốn là điểm “nóng” khai thác đá vôi, nhưng do chính quyền địa phương siết chặt quản lý nên thi thoảng chỉ khai thác trộm.

Một địa điểm khai thác nhỏ lẻ khác ở thôn Phín Ủng, xã Nghĩa Thuận cũng được người dân phản ánh là khai thác đá vôi trái phép. Hiện trường khai thác ngay tại ngã ba Tùng Pàng và thôn Khủng Cáng, tại khai trường có máy múc và máy nghiền đá loại nhỏ. Người dân địa phương cho hay, địa điểm này mới chỉ được khai thác cách đây vài tháng.

Chuyện về những bãi đá nhỏ lẻ thi thoảng vẫn được một số đối tượng khai thác ở vùng Cao nguyên đá không phải là chuyện hiếm. Chính quyền địa phương thường lí giải là do người dân vùng cao còn khốn khó, vật liệu xây dựng được đưa từ vùng thấp lên vùng cao nên trở nên đắt đỏ, ngặt nỗi “sống trên đá, nhưng không được sử dụng đá”. Bởi thế mà nhiều người đánh liều khai thác đá trái phép mặc dù rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt, thậm chí khởi tố.

Tuy nhiên, đó là nỗi khổ của người dân vùng cao thì có thể cảm thông, quy mô khai thác nhỏ, lẻ không đáng kể. Nhưng doanh nghiệp làm đường khai thác “chui” thì số lượng rõ ràng không hề nhỏ, việc “chảy máu” tài nguyên quốc gia thực tế đang diễn ra.

Muôn kiểu "trục lợi"

Ở vùng cao, rất nhiều tuyến đường được ưu tiên xây dựng nhằm giúp người dân vùng biên giới có cuộc sống tốt đẹp hơn, phần cũng vì chiến lược an ninh quốc phòng. Nhưng chỉ là khi thực hiện, một số đơn vị còn lợi dụng khai thác khoáng sản để bán nhằm… “trục lợi”.

Lấy ví dụ như tại thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, phóng viên ghi nhận khối lượng lớn đá vôi với đủ chủng loại, kích cỡ được tập kết tại một bãi chứa nằm ngay cạnh công trình đường giao thông nối xã Thanh Vân đi xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ).

anh da 1
Điểm mỏ khai thác đá vôi ở thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân. (Ảnh: TV).

Tại đây, nhiều máy móc có công suất lớn vẫn ngày ngày nghiền, xay đá. Tìm hiểu được biết về mặt thủ tục tuyến đường do Công ty TNHH 307 Hà Giang làm đơn vị thi công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đơn vị này đã thuê lại một tổ, đội khác do một người tên H. và vợ tên T. thi công mở tuyến làm điểm đầu thuộc xã Thanh Vân. Quá trình thực hiện, tổ đội do ông H. quản lý đã tự ý khai thác đá vôi để bán kiếm lời.

Một lái xe người địa phương chở đá từ địa điểm này hướng ra trung tâm xã cho biết: “Anh em lái xe vẫn thường xuyên lui tới lấy đá từ địa điểm này bán cho người dân và các công trình quanh vùng, giá cả không cố định. Cứ hết tháng chốt sổ mới cộng tiền để trả cho chủ bãi đá”.

Người dân địa phương cho hay, giá bán đá bột và đá kích cỡ 1x2 tại khai trường là 180 nghìn/m3. 

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Phan Thông Quyết, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân cho hay: “Tôi cũng đã nắm được nội dung trên và cho anh em đi kiểm tra. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ nghiền đá tại địa phương chứ không lấy đá trên địa bàn, mà lấy đá từ quá trình khai thông đường ở bên xã Bát Đại Sơn sang nghiền nên khó xử lý”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, đơn vị này nghiền đá để bán chứ chưa thi công, xây dựng đoạn đầu đường bên xã này.

Việc tận thu khoáng sản chưa được cấp phép đã là vi phạm Luật khoáng sản, nhưng đáng nói những đơn vị mua vật liệu từ đơn vị khai thác trái phép để phục vụ dự án xây công trình giao thông còn nghiêm trọng hơn.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Ngày 16 tháng 10 năm 2018, UBND tỉnh Hà Giang đã có Quyết định ban hành quy chế phối hợp và trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Cụ thể, tại Điều 8, mục 1 và 2 quy định rõ: Khi phát hiện hoặc ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của nhân dân hoặc khi nhận được thông tin chỉ đạo từ cơ quan cấp trên về việc thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn, UBND xã phải chỉ đạo ngay lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra cụ thể, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời các hành vi trái phép; lập Biên bản vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; xử lý nghiêm theo thẩm quyền, trường hợp hành vi vi phạm vượt thẩm quyền xử lý hành chính, báo cáo UBND cấp huyện trực tiếp quản lý và Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý theo quy định.
Nếu vụ việc xảy ra vượt quá thẩm quyền giải quyết phải có phương án đề xuất, kiến nghị.