1. Trang chủ /
  2. Kỳ án bán nhà đất nhiều lần bị trả hồ sơ ở Lâm Đồng: Có thể buộc tội người đứng tên giúp trên “sổ đỏ” hay không?

Kỳ án bán nhà đất nhiều lần bị trả hồ sơ ở Lâm Đồng: Có thể buộc tội người đứng tên giúp trên “sổ đỏ” hay không?

thứ bảy, 24/9/2022 14:47 GMT+07
Như PLVN đã phản ánh, vụ án trên hiện được rất nhiều người quan tâm, vì mua bán bất động sản hiện là lĩnh vực “nóng” trong đời sống.

1 lần chuyển tội danh, 4 lần trả hồ sơ

Vụ án có bị can Hoàng Thị Thương (SN 1960, ngụ 39 Đinh Tiên Hoàng, phường 2, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tháng 8/2017, em gái bị can là Nguyễn Thị Hồng Thuỷ nhờ chị đứng tên nhà đất 41 Đinh Tiên Hoàng. Gần năm sau, ông Vũ Quang Liêm (ngụ TP HCM) mua căn nhà.

Ngày 7/7/2018, chị em bà Thương và ông Liêm đến ký hợp đồng chuyển nhượng, thoả thuận ký với giá thấp hơn thực tế để giảm tiền thuế. Do chị em bà Thương trước đó vay tiền người khác để đáo hạn ngân hàng lấy sổ đỏ nhà 41 ra, đến hạn chưa trả, bị tố cáo, nên ngày 18/10/2019, PC01 Công an Lâm Đồng khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Thương để điều tra hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Bốn tháng sau, PC01 ra KLĐT đề nghị truy tố bị can Thương. Quá trình điều tra, bà Thương đã trả đủ tiền cho người cho vay. CQĐT chuyển hướng điều tra bà Thương về hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng nhà đất 41; xác định các loại thuế phí mà bà Thương và ông Liêm đã trốn gần 370 triệu đồng.

Tờ khai thuế TNCN của bị can Thương
Tờ khai thuế TNCN của bị can Thương


Ngày 31/3/2021, Công an Lâm Đồng thay đổi Quyết định khởi tố bị can, khởi tố bị can bà Thương về hành vi “Trốn thuế”; VKSND tỉnh chuyển vụ án “trốn thuế” về Công an Đà Lạt điều tra.

Giữa năm 2021, Công an Đà Lạt ban hành KLĐT 151/KLĐT-ĐCSKT với bị can Thương về tội trốn thuế. Một tháng sau, VKSND Đà Lạt trả hồ sơ. Ngày14/9/2021, Công an Đà Lạt ra KLĐT bổ sung 20/KLĐT-ĐCSKT, giữ nguyên theo KLĐT 151. Một tháng sau, VKSND Đà Lạt lại trả hồ sơ.

Tháng 11/2021, VKSND Đà Lạt có cáo trạng 267/CT-VKS truy tố bị can Thương tội trốn thuế. Nhưng khi cáo trạng chuyển sang TAND Đà Lạt, cuối năm 2021, tòa cũng trả hồ sơ vì nhận định, nếu không có hành vi câu kết của ông Liêm thì sẽ không cấu thành hành vi của bị can Thương. Tòa cũng nhận định chưa có quyết định tạm đình chỉ vụ án với bị can mà ra quyết định tách vụ án 14a/QĐ-ĐCSKT là vi phạm thủ tục tố tụng theo khoản 2 Điều 170, khoản 2 Điều 242 BLTTHS.

Giữa năm 2022, TAND Đà Lạt tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Mới đây nhất, ngày 10/9/2022, Công an Đà Lạt ban hành KLĐT bổ sung, giữ nguyên KLĐT số 51 đề nghị truy tố bà Thương về tội trốn thuế theo khoản 2 Điều 200BLHS. 

Luật sư: “Cần xem xét lại căn cứ buộc tội trong vụ án”

Từ khi bị khởi tố, bị can Thương liên tục có đơn kêu oan. Vụ án cũng được nhiều LS, chuyên gia pháp lý quan tâm vì tình huống pháp lý rất thú vị.

Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM lập luận: “Hồ sơ cho thấy nguồn gốc nhà đất 41 là bị can đứng tên giúp em gái. Cáo trạng cho rằng bị can trốn thuế, và phải xác định bị can đã hưởng lợi một phần hay toàn bộ số tiền đó? Muốn buộc tôi, cần chứng minh bị can có ý thức chiếm đoạt tiền thuế thu nhập cá nhân”, LS này nói.

Một điểm đáng lưu ý khác, LS cho biết bị can không phải là người nhận thông báo đóng thuế, cũng không phải là người đi đóng thuế TNCN; nên bị can có thể hoàn toàn không biết số tiền thuế mà cơ quan thuế thông báo là bao nhiêu.

Điều này cũng thể hiện trong cáo trạng: “Lúc này do không có tiền nên Thương, bà Hồng Thủy đưa Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả của bộ phận một cửa nhờ bà Đặng Thị Thủy đóng thuế. Bà Đặng Thị Thủy đồng ý rồi nhờ tiếp bà Tôn Nữ Thu Lan đóng các loại thuế liên quan cho Thương và ông Liêm. Bà Lan đến bộ phận 1 cửa nhận 3 thông báo thuế của ông Liêm, Thương rồi đến ngân hàng đóng các loại thuế phí 369,3 triệu đồng”. 

Bị can Thương vướng lao lý sau khi đứng tên căn nhà giúp em gái
Bị can Thương vướng lao lý sau khi đứng tên căn nhà giúp em gái

Trong vụ án này, LS cũng đặt vấn đề, khi giao giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả của bộ phận một cửa, bị can cho rằng không ủy quyền cho bất kỳ ai đóng thuế thay: “Nếu bị can không biết tiền thuế phải đóng cho nhà nước là bao nhiêu; không tự đóng thuế; không ủy quyền cho người khác đóng thuế; thì sao có thể buộc tội trốn thuế?”.

Một chi tiết thú vị khác, trong đơn gửi cơ quan chức năng, bị can Thương cho rằng bản thân mình không kê khai mua bán nhà và đất tại 41 Đinh Tiên Hoàng có giá trị 10 tỷ đồng. LS Huỳnh Phước Hiệp (Cty Luật TNHH Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự), chỉ ra điểm bất thường trong hồ sơ, là tại tờ khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bỏ trống mục 38 “Giá trị đất thực tế chuyển giao (nếu có)”; tại mục 39e của tờ khai thuế TNCN ghi “Giá trị nhà: 10.000.000.000”. “Như vậy, tờ khai thuế thu nhập cá nhân mà Chi cục thuế TP Đà Lạt cung cấp cho cơ quan tố tụng Lâm Đồng đã ghi rõ giá trị giao dịch riêng căn nhà đã là 10 tỷ đồng; chứ không phải giá trị nhà và đất là 10 tỷ đồng”, LS Hiệp nêu quan điểm, đồng thời cho biết đã có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng đề nghị giám định lại vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm; dấu hiệu vi phạm Điều 214 BLTTHS.

Một điểm chưa hợp lý nữa được LS Hiệp chỉ ra, là các tài liệu điều tra đều thể hiện bị can Thương đã trốn thuế TNCN 295.853.764 đồng; nhưng lại bị truy tố theo khoản 2 Điều 200BLHS (trường hợp trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng). “Nếu bị can Thương trốn thuế với số tiền như cáo trạng truy tố thì chỉ chịu trách nhiệm với số tiền 295.853.764 đồng, tức dưới mức 300 triệu đồng; không thể cộng cả thuế của bị can Thương và lệ phí trước bạ của ông Liêm để truy tố bị can Thương”, LS Hiệp nói.
Theo Điều 214 BLTTHS về quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác với kết luận giám định; thì trong 7 ngày từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.
Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp trình bày trực tiếp thì cơ quan tố tụng phải lập biên bản. Trường hợp không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Có thể bạn quan tâm