1. Trang chủ /
  2. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2021): Giáo sư Trần Văn Giàu - Một học giả lớn, một nhân cách lớn

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2021): Giáo sư Trần Văn Giàu - Một học giả lớn, một nhân cách lớn

chủ nhật, 12/9/2021 11:00 GMT+07
(PLM) - Ngày 11/9, tỉnh Long An tổ chức dâng hương kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/2021), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kỷ niệm được tổ chức ngắn gọn nhưng không kém phần trang trọng. Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Long An cùng đại diện các đơn vị, địa phương và thân nhân đã dâng hương, dâng hoa lên phần mộ, bàn thờ cố Giáo sư Trần Văn Giàu. Các đại biểu cũng dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ nhà cách mạng kiên trung, nhà tư tưởng uyên bác đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 11-9-1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), mất ngày 16-12-2010. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

15 tuổi, ông lên Sài Gòn học tại Trường Trung học Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) giữa lúc phong trào Nguyễn An Ninh đang gây tiếng vang lớn. Theo lời kêu gọi của diễn giả Nguyễn An Ninh “thanh niên cần rời khỏi nhà mình, đi cho xa để tìm một lý tưởng…” và chịu ảnh hưởng của các nhà yêu nước đương thời, năm 1928 ông đã xuất dương sang Pháp với ý chí học thật giỏi, để cổ vũ lòng yêu nước, mở văn phòng luật sư để bênh vực quyền lợi cho đồng bào mình, giúp đồng bào vơi bớt nỗi khổ.

Từ một học sinh yêu nước, ông đã trở thành nhà cách mạng kiên cường. Tháng 5-1930, Trần Văn Giàu từ Toulouse lên Paris tham gia biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp, đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh và chiến sĩ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, vì việc đó, đồng chí đã bị trục xuất về Việt Nam. Tháng 8-1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau một thời gian ngắn hoạt động công khai, từ cuối năm 1930, Đảng hoàn toàn đi vào hoạt động bí mật, đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng bền gan của chiến sĩ cộng sản Trần Văn Giàu.

Năm 1931, ông được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Hai năm sau trở về tiếp tục hoạt động cách mạng ở Nam bộ và tháng 10-1943, được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Qua hai lần bị bắt, đày đi Côn Đảo hay biệt giam ở trại Tà Lài, được trui rèn trong môi trường thử thách khốc liệt, ông đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, phong cách của một nhà lãnh đạo cách mạng.

Trần Văn Giàu, tù chính trị Côn Đảo năm 1935, số tù 568 (Ảnh: Tư liệu).

Tháng 8-1945, trong điều kiện xa Trung ương, ông cùng Xứ ủy Nam kỳ, đã “tương kế tựu kế” chủ động tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong - một phong trào thanh niên yêu nước hoạt động công khai do Xứ ủy chỉ đạo, cùng Thanh niên cứu quốc, đội ngũ đông đảo trong phong trào công nhân và nhân dân lao động xây dựng một đạo quân chính trị hùng hậu, làm nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trong bão táp cách mạng của quần chúng giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và khắp các tỉnh Nam bộ, góp phần quyết định sự toàn thắng của Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời, gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh Nam bộ sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Khi thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy đã tổ chức cuộc họp lịch sử tại nhà số 629 đường Cây Mai (đường Nguyễn Trãi ngày nay) vào đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, kêu gọi toàn dân nhất tề đứng lên kháng chiến theo lời thề “độc lập hay là chết”. Đó là một quyết định táo bạo, sáng suốt, chính xác và kịp thời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đánh giá cao: “Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp,… làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục,… Đồng bào phải cương quyết, phải giữ vững tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày độc lập”.

Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch đã thực hiện chiến thuật “trong đánh ngoài vây” cầm chân giặc một tháng ở Sài Gòn, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân ở Nam bộ cũng như sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta vào mùa thu 1945 (ngày 23-9) là kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là công lao của toàn Đảng, toàn dân ta, trực tiếp là của nhân dân Nam bộ, trong đó vai trò quan trọng của người lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp Trần Văn Giàu.

Sau khi được điều động ra chiến khu Việt Bắc, năm 1949, Trần Văn Giàu nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền. Hai năm sau, đồng chí được giao trách nhiệm đặt nền móng cho ngành giáo dục đại học của nước nhà, đào tạo các chuyên gia khoa học cao cấp về khoa học xã hội và nhân văn, chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước lúc kháng chiến thành công.


Bắt tay vào nhiệm vụ mới trong ngành giáo dục, ông đã cùng với các trí thức lớn đương thời đào tạo một thế hệ thanh niên trở thành các nhà quản lý, các nhà khoa học đầu đàn, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo dục.

Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Trần Văn Giàu được cử về tiếp quản các trường Đại học ở Hà Nội. Khi thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Khoa học, ông giữ cương vị Bí thư Đảng ủy nhà trường, trực tiếp giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy của trường, là người sáng lập kiêm Chủ nhiệm khoa Lịch sử.

Giáo sư Trần Văn Giàu và phu nhân, cùng các học trò: GS.NGƯT Trần Quốc Vượng, GS.NGND Đinh Xuân Lâm,

GS.NGND Hà Văn Tấn, GS.NGND Phan Huy Lê (Ảnh: Tư liệu).

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, GS. Trần Văn Giàu bắt tay vào những công trình khảo cứu công phu, cẩn trọng về lịch sử Việt Nam. Bộ sách đầu tiên của ông là bộ “Giai cấp công nhân Việt Nam” (3 tập). Đây là công trình khảo cứu công phu, hệ thống đầu tiên về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam. Với bộ sách này, lần đầu tiên lịch sử Việt Nam không chỉ còn là lịch sử của các lãnh tụ, các chính đảng hay các tôn giáo mà thực sự là lịch sử của quần chúng nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra.

Với 100 tuổi đời, 81 tuổi Đảng, hoạt động liên tục trên nhiều cương vị khác nhau, Giáo sư Trần Văn Giàu đã dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển Tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Văn Giàu là biểu tượng cho hào khí quật cường và tính thần bất khuất của đất, con người Nam Bộ. Với Đảng bộ và nhân dân Long An, Giáo sư Trần Văn Giàu là niềm tự hào, tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.