Kỷ vật cán bộ “đi B”
Ký ức một thời đạn bom
Thời gian qua, thân nhân và cán bộ đi B - các cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác trong kháng chiến; và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam; được TTLTQG III tại Hà Nội trả lại hồ sơ, kỷ vật đã gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ trước khi lên đường nhiều năm trước.
Ngày 14/6/1955, Chính phủ thành lập Ban Quan hệ Bắc - Nam. Ngày 26/7/1960, Ban được đổi thành Ủy ban Thống nhất, là cơ quan của Hội đồng Chính phủ; có trách nhiệm quản lý công tác đấu tranh nhằm thống nhất nước nhà theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; lên kế hoạch điều động cán bộ chi viện sức người cho miền Nam. Hàng vạn người đã gửi đơn tình nguyện lên đường đi B.
Lộ trình vào miền Nam được giữ bí mật. Người tình nguyện đi B lặng lẽ rời đơn vị công tác, đến những khu vực tập kết ở Hà Nội, HàTây (cũ), Hòa Bình... Đại diện Ban sẽ làm việc với từng người. Tất cả tài liệu thuộc về tổ chức, nhân sự như lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ, huân, huy chương, ảnh, nhật ký, thư từ,sổ tiết kiệm... đều được lưu giữ đợi ngày trở về. Năm 1976, khi Ủy ban Thống nhất giải thể, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/2021, toàn bộ hồ sơ chuyển về Cục Văn thư & Lưu trữ Nhà nước (VT<NN - Bộ Nội vụ) quản lý, bảo quản tại TTLTQG III.
Theo Cục VT<NN, hiện Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu trên mạng internet với hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B. Hiện TTLTQG III vẫn đang lưu giữ gần 56.000 hồ sơ của 2 nhóm đối tượng; gồm cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, sau đó bí mật trở vào Nam công tác; và mộtsố cán bộ dân sự miền Bắc đi B (1959 - 1975). Cả hai nhóm đối tượng này chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như: Sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có huân, huy chương, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng…
Đây cũng là những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương, bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến. Việc đưa các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B trở về với chủ nhân của chúng hết sức cần thiết, thiêng liêng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Những kỷ niệm xúc động
Cùng với việc công bố công khai trên mạng internet, vài năm gần đây, Cục VT<NN đều tổ chức triển lãm hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, đồng thời tổ chức lễ trao lại hồ sơ, hiện vật, với mong muốn lan tỏa thông tin rộng rãi để chủ nhân của các hồ sơ, hiện vật biết chính xác địa chỉ để nhận lại. Cũng thông qua các hoạt động này, hằng năm, nhiều cán bộ đi B khác đã đến gửi lại nhiều hồ sơ, hiện vật gốc với mong muốn được bảo quản, phát huy giá trị tốt hơn.
Ngày nhận lại hồ sơ và kỷ vật của người chồng đã mất năm 2011 từ ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục VT<NN, bà Cao Thị Phòng (ngụ Hải Phòng, vợ cán bộ đi B Lê Đình Khương) khóc nghẹn vì xúc động. Trong khi đó, phía TTLTQG III cũng rất khó khăn mới tìm lại được người nhận hồ sơ, kỷ vật của ông Khương. Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc TTLTQG III cho biết, trên hồ sơ ông Khương ghi tên Lê Đình Khương kèm bí danh hoạt động, quê Bình Định, gia đình thất lạc.
Sau nhiều nỗ lực phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Bình Định, năm 2022, Trung tâm tìm lại được con trai của ông Khương với người vợ đầu tiên; và mới biết ông đã ngược trở lại miền Bắc từ 1969, có thêm tên khác là Lê Văn Bảy, lập gia đình thứ 2 ở Hải Phòng. Tới đây mọi người mới hiểu thêm ông Khương quê gốc Bình Định, tập kếtraBắc năm 1954, để lại đàn con thơ ở quê nhà. Tháng 7/1964, ông được điều động trở lại miền Nam.
Trước khi lên đường, ông Khương gửi lại toàn bộ hồ sơ, kèm theo kỷ vật là chiếc nhẫn vàng cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Vì chiến tranh, gia đình tứ tán, con cái mỗi người một phương nên khi trở lại chiến trường miền Nam, ông vẫn không tìm được thông tin về gia đình. Năm 1969, ông trở lại miền Bắc, điều trị bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng Kiến An (Hải Phòng), sau đó kết hôn với điều dưỡng Cao Thị Phòng.
Nhiều năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Khương mới tìm lại được các con với người vợ trước; nhưng hồ sơ và kỷ vật gửi lại trước khi đi B vẫn thất lạc. Ông từng lên Hà Nội tìm lại hồ sơ nhưng Ủy ban Thống nhấtChính phủ đã giải thể. Thế nên lúc sinh thời, khi làm các thủ tục, nhất là thủ tục để hưởng chính sách, ông Khương rất vất vả, phải đi xác nhận ở nhiều nơi.
Với ông Đỗ Trọng Văn (nhà giáo từng đi B) thì bồi hồi xúc động khi được xem lại những hồ sơ, kỷ vật, hình ảnh thời chiến tranh. Sự kiện còn giúp ông có cơ hội gặp gỡ lại đồng đội. “Mỗi kỷ vật như một thước phim đưa tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm năm xưa, một thời trai trẻ. Tôi xúc động vì sự đóng góp, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước đã được Nhà nước trân trọng, ghi nhớ, qua việc lưu giữ các kỷ vật rất cẩn thận”, ông Văn viết trong sổ lưu niệm.
Nguồn sử liệu quý giá
Theo TTLTQG III, khối hồ sơ cán bộ đi B là một nguồn sử liệu quý giá, gắn với cuộc đời của hàng vạn con người trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt. Mỗi trang hồ sơ là những trang đời về từng số phận người. Hiện nay, khách đến Trung tâm có thể tiếp cận nguồn sử liệu quý này qua rất nhiều kỷ vật, hồ sơ của các cán bộ đi B, trong đó có hồ sơ gốc của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm…Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục kết nối, trả lại các hồ sơ, hiện vật cho chủ nhân, đồng thời có nhiều hoạt động khác để phát huy giá trị của khối tài liệu nói trên.
Trong hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có bộ hồ sơ của Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, cha của đạo diễn Đặng Nhật Minh gồm: Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, phiếu báo đã tiếp nhận giấy giới thiệu, phiếu chuyển đảng tịch của đảng viên, sơ lược lý lịch và tự thuật... Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh trong trận bom B52 ở chiến trường Trị Thiên ngày 1/4/1967.
Mãi 20 năm sau, một người đi rừng mới phát hiện mộ ông như một người lính vô danh. Trong gói vải dù bọc di hài, có tấm biển nhôm khắc chữ “Đặng Văn Ngữ. 1-4-1967”. Hài cốt ông được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở khu mộ liệt sĩ chưa rõ tung tích. Năm năm sau, anh em đạo diễn Đặng Nhật Minh mới tìm thấy mộ cha, đưa về chôn cất trong nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình.
Hồ sơ của cán bộ đi B Nguyễn Khoa Điềm gồm có: Bản khai lý lịch viết tay, học bạ phổ thông cấp 2, 3; lý lịch đoàn viên; thẻ đoàn viên; bằng đại học… Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ, chính trị gia. Sinh ra tại Huế, năm 1955, ông ra Bắc học tại Trường học sinh miền Nam, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông trở về Nam cho đến năm 1975. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một cán bộ miền Nam tập kết, rồi đi B. Ông là tác giả và biên kịch 2 tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn “Chiếc lược ngà” và phim điện ảnh “Cánh đồng hoang”. Với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt II năm 2000.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)