Làm lộ, lọt đề thi trong trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Liên quan đến việc lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn và Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày thi hôm qua (28/6), nhiều người đặt ra câu hỏi, theo quy định của pháp luật nếu đề thi lộ, lọt ra ngoài những người liên quan (thí sinh cũng như cán bộ coi thi) sẽ bị xử lý như thế nào? Trong trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, đề thi THPT quốc gia được áp dụng chung cho tất cả các thí sinh thi tốt nghiệp trên cả nước. Đề thi liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia thuộc phạm vi bí mật của nhà nước.
Theo đó, không chỉ riêng đề thi, mà cả đáp án, thang điểm, địa điểm in, sao, ra đề của các kỳ thi THPT (thi đại học), thi Olympic quốc tế… đều là văn bản tối mật và cần phải giữ bí mật, bảo quản. Nếu bị lộ có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cũng theo luật sư, những thiệt hại mà hành vi này để lại cho đất nước, cho nền giáo dục thì không thể đong đếm được. Tùy vào tính chất vụ việc, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà việc làm lộ đề thi THPT sẽ bị xử phạt ở những tội danh khác nhau.
Theo quy định tại Điều 337 (Bộ luật Hình sự 2015), tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước:
Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Có tổ chức; bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; phạm tội 2 lần trở lên; gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
"Ở đây bất kể ai cũng có thể trở thành người phạm tội. Kể cả việc chụp ảnh đề thi để lộ ra bên ngoài khi chưa hết giờ làm bài; hoặc 'mua bán' đề thi khi kì thi chưa diễn ra… Tất cả đều có thể bị xử phạt theo quy định ở tội này", luật sư Lai nhấn mạnh.
Trong trường hợp, người nào vì bất kỳ nguyên nhân hay động cơ nào, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm lộ đề thi THPT quốc gia gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm được quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Người phạm tội này trước hết phải là người có chức vụ, quyền hạn. Có thể kể đến các cán bộ được giao nhiệm vụ trông coi đề thi; hay chính là người làm đề thi; hoặc giám thị coi thi. Họ hoàn toàn có thể lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện hành vi làm lộ đề thi ra bên ngoài.
"Ngoài ra, theo quy định, nếu thí sinh làm lộ đề thi THPT ra bên ngoài, tức là giám thị đã coi lỏng và không hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, giám thị có thể bị xử phạt hành chính: Phạt tiền hoặc bị đình chỉ. Tuy nhiên, nếu có phát hiện giám thị đã tiếp tay cho thí sinh thì giám thị có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Cũng theo quy chế thi THPT quốc gia gần nhất, thí sinh làm lộ đề thi THPT quốc gia sẽ chỉ bị đình chỉ thi, mà không bị hủy tất cả các bài thi đã làm trước đó", luật sư Lai cho biết.