1. Trang chủ /
  2. Lâm Đồng: Rừng thông 3 lá ở dưới chân núi Voi bị tàn phá, đổ hóa chất để đầu độc

Lâm Đồng: Rừng thông 3 lá ở dưới chân núi Voi bị tàn phá, đổ hóa chất để đầu độc

thứ ba, 31/10/2023 10:56 GMT+07
Rừng thông 3 lá tại tiểu khu 277A, dưới chân núi Voi, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây đang bị tàn phá thảm hại. Bên cạnh đó, nạn lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất diễn ra rất nghiêm trọng.
Những cây thông hàng chục năm tuổi bị triệt hạ. Ảnh: Chí Cường

Khu vực rừng sản xuất dưới chân núi Voi (núi cao hơn 1.700m) thuộc tiểu khu 277A do Ban Quản lý rừng Đại Ninh quản lý. Tại đây, đang hiện hữu thực trạng hàng loạt cây thông ngã đổ ngổn ngang, có cây cháy đen thành than. Đặc biệt, nhiều cây bị khoét lỗ ở gốc, đổ hóa chất vào để dần chết khô. Từ việc rừng do Nhà nước trồng bị chết dần mòn kéo theo nạn đất rừng bị lấn chiếm để lấy đất sản xuất. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, người dân nhiều lần gửi đơn trình báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn không ngăn chặn, người đứng đầu chính quyền huyện Đức Trọng, xã Hiệp An vẫn không bị xem xét trách nhiệm?


Dùng thuốc diệt cỏ đầu độc cây?


Khu vực núi Voi nằm cách TP Đà Lạt theo hướng xuôi về Dầu Giây theo quốc lộ 20 khoảng 15km, thuộc thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An. Đây là vùng rừng trồng cây thông 3 lá hiện khá xanh tốt, các cây cao khoảng từ 15 - 20cm, trải dài từ sát quốc lộlên đến đỉnh núi.

Men theo con đường bê tông đến dưới chân núi, chỉ sau 5 phút, đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng tan hoang. Nhiều cây thông bị đốn hạ nằm ngổn ngang, đang dần bị khô mục. Môt số cây bị đốn hạ chưa lâu, môt số cây khác thì chưa bị chặt hạ nhưng đã chết khô. Có cây bị cháy đen, đổ ngã, trơ lại phần gốc cao gần 1m.

Tại đây, có những cây thông cao lớn bị chết khô chưa bị đốn hạ, ở gốc bị khoan thủng những lỗ sâu nhỏ bằng ngón tay, có dấu hiệu bị đổ loại chất vào.

Theo ông H., người dẫn chúng tôi đến khu vực này, những cây này đã bị khoan ở gốc và đổ hóa chất là thuốc diệt cỏ nhằm cho cây chết khô và sau đó sẽ bị đốn hạ.

"Tàn độc như vậy đó. Rừng do Nhà nước trồng, người ta không bảo vệcòn dùng thủ đoạn như thế này để triệt hạ nhằm lấn đất để sản xuất. Tình trạng này diễn ra đã lâu, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng không xử lý triệt để, người dân trong vùng bức xúc, nhiều lần làm đơn trình báo...”, ông H. bức xúc cho biết.

  Dấu khoan để đổ thuốc trừ sâu vào gốc cây. Ảnh: Chí Cường 

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đây có hàng chục cây chết khô bị đốn hạ mục ruỗng nằm ngổn ngang. Có từng cụm đến hàng chục cây đã chết khô chưa bị đốn hạ, một số cây cành lá đang khô héo. Nhiều cây bị sủi nhựa màu trắng đục. Một số cây gốc bị cháy đen. Cây to nhất có đường kính gốc gần 50cm.

Theo biên bản được Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng phối hợp với UBND xã Hiệp An lập khi “đột kích” vào khu vực kiểm tra trước đó, tình hình đã hết sức nghiêm trọng. Biên bản ghi ngày 23/2/2023 xác định tại khu vực có 9 cây thông 3 lá bị tác động khiến khô héo và chết hoàn toàn, trong đó có 7 cây bị băm gốc và đổ hóa chất, 2 cây bị gom cành lá đốt ở gốc bị chết khô. Tổng trữ lượng thiệt hại là 8.266m3, trên diên tích 154m2.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện ông Nguyễn Tuấn A. (ngụ tổ 5, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An) đang cuốc xới chăm sóc cây trồng sản xuất trên diện tích có 9 cây thông bị tác động chết. Lực lượng chức năng yêu cầu phối hợp làm rõ tình trạng xảy ra tại khu vực nhưng người này đã bỏ đi, không hợp tác.

Biên bản cũng xác định khu vực bị phá hoại là rừng do Nhà nước trồng theo vốn ngân sách Nhà nước từ năm 1986 thuộc loại rừng sản xuất. Tình trạng phá rừng, lấy đất sản xuất diễn ra phức tạp nhưng đối tượng phá rừng thì không được xác định. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã kiến nghị các cơ quan chức năng có kế hoạch thu thập thông tin, điều tra làm rõ, mật phục truy tìm đối tượng vi phạm, xử lý kịp thời tình trạng phá rừng, lấn đất.

"Tình hình phức tạp như vậy, dấu hiệu vi phạm thì rất rõ ràng, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc từ lâu nhưng không hiểu sao rồi đâu lại vào đấy...”, người dân xã Hiệp An bức xúc.

Sao không xử lý?


Theo xác minh của chúng tôi, khu vực rừng đang bị tàn phá thuộc khoảnh 6, tiểu khu 277A, nằm trong diện tích 20,3ha chia thành 3 lô, được UBND huyện Đức Trọng giao cho môt hộcá nhân thuê để thực hiện Dự án “Quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng hoa, cây cảnh và du lịch sinh thái” từ năm 2009. Diện tích này được UBND huyện Đức Trọng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 817392 ngày 16/10/2009.

Trên đất dự án này có 11,64ha rừng thông 3 lá do Nhà nước trồng và 6,75ha đất rừng đã trồng keo lai do 36 hộ dân trồng trước khi thực hiện dự án vài năm. Để thực hiện dự án, năm 2008 hộcá nhân thuê đất đã thỏa thuận, bồi thường cho các hộ dân trồng cây nông nghiệp, canh tác.

Thông 3 lá bị triệt hạ nằm ngổn ngang. Ảnh: Chí Cường

Thời gian trước đây, từ khi mới trồng, rừng được chăm sóc, quản lý khá tốt nên phát triển rất mạnh mẽ. Khoảng 5 năm trở lại đây, việc tàn phá rừng xâm chiếm làm đất sản xuất diễn ra phức tạp và có phần ngang nhiên. Nhiều trường hợp, chính quyền xã phát hiện người cho người múc đất, san gạt để trồng cây mắc ca nhưng cũng chỉ yêu cầu ngưng, việc lấn chiếm sau đó vẫn tiếp tục diễn ra, không xử lý được.

Tại thời điểm có mặt tại thực địa, chúng tôi chứng kiến xen kẽ giữa rừng thông bị phá hoại là những diện tích đất trồng cây mắc ca, cao 60-80cm, khoảng 1-2 năm tuổi.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng và UBND xã Hiệp An, việc lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 277A diễn biến rất phức tạp, chưa xác định diện tích rừng thông 3 lá bị tàn phá và lấn chiếm cụ thể là bao nhiêu. Chỉ tính riêng diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bị mất do tác động của con người tại khoảnh 6 cách đây 3 năm, đã lên đến 6,4ha. Trong đó, gồm diện tích rừng bị mất hiện để trống và diện tích đã bị dùng để trồng cây canh tác.

Liên quan việc tàn phá, lấn chiếm rừng tại tiểu khu 277A, ông Nguyễn Hồng Nhị, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Đức Trọng, nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng Hiệp Thạnh cho biết, từ lâu khu vực rừng tại núi Voi đã được đánh giá là cần quan tâm bảo vệ vì xác định là vùng “nóng” do gần quốc lộ và gần TP Đà Lạt, nên tỉnh giao cho Công an huyện quản lý và việc bảo vệ rừng khá tốt, không có hiện tượng tranh chấp hay lấn chiếm rừng. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm rừng, hủy hoạt tài nguyên rừng diễn ra khá phức tạp khi việc bảo vệ, quản lý rừng được chuyển giao cho Ban Quản lý rừng Đại Ninh.

“Cần rốt ráo vào cuộc, xử lý dứt điểm các vi phạm, không thể để tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến rừng và an ninh trật tự, dẫn đến tình trạng xem nhẹ pháp luật”, ông Nhị nói.