Làm sao để doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7% GDP
Phát huy vai trò kinh tế của các ngành văn hóa nước nhà.
Mục tiêu này được giới chuyên môn đánh giá là khả thi, nhưng với điều kiện ngành văn hóa nước nhà phải vượt qua rất nhiều rào cản, khắc phục những vướng mắc, bất cập nhức nhối trong nhiều năm nay.
Văn hóa cần phát triển tương xứng với kinh tế
Trước đó, vào tháng 9/2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó cũng đã đề ra mục tiêu phát triển văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và tăng lên 7% vào năm 2030.
Sau 5 năm thực hiện, số liệu thống kê đã cho thấy ngành công nghiệp văn hoá đóng góp đến 3,61% GDP, cao hơn dự tính ban đầu. Do vậy, giới chuyên môn đánh giá, mục tiêu 7% GDP vào năm 2030 hoàn toàn là khả thi, nhưng yêu cầu tiên quyết là ngành Văn hoá nước nhà phải giải quyết được những bất cập, vướng mắc tồn đọng trong nhiều năm qua.
Tại Việt Nam, cơ cấu công nghiệp văn hoá gồm 12 ngành: Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Truyền hình và Phát thanh, Du lịch văn hóa, Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ.
Dù tất cả những lĩnh vực này đều có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng theo nhiều ý kiến, rào cản lớn nhất là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thị trường văn hoá. Nhiều báo cáo về lĩnh vực này đã đánh giá “Phát triển văn hóa, xây dựng con người chưa tương xứng với phát triển kinh tế”.
Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển văn hoá – nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay như: phục hồi sau đại dịch, nhận thức của công chúng, nguồn lực đầu tư, sức sáng tạo của giới nghệ sĩ, trí thức,…
Đơn cử, theo nhận định của ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, dù Việt Nam có đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa nhưng chưa phát triển đúng theo hướng kinh tế thị trường. Trả lời báo chí, ông cho biết: “Chúng ta phải quan niệm các sản phẩm văn hóa là hàng hóa, đáp ứng các quy luật thị trường, để có chiến lược kinh doanh phù hợp bối cảnh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa làm được”.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng nêu ra, văn hóa chưa được quan tâm tương xứng, đầu tư văn hóa chưa đúng mức, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn. Do đó, chiến lược cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tinh giảm, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Với dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: Đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm sẽ tạo ra môi trường văn hóa tốt, đời sống văn hóa tốt sẽ góp phần xoay chuyển tình thế.
Ở đó, quản lý văn hóa cần hướng tới sự chủ động hỗ trợ hoạt động văn hóa - nghệ thuật, tiếp cận gần hơn quy luật thị trường trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa. Theo đó, Bộ VHTTDL cũng đề xuất triển khai kịp thời các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch.
Mặt khác, với ngành du lịch là “mắt xích” cực kỳ quan trọng trong việc phát triển văn hoá, chính quyền các cấp cũng nên chú trọng, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch tại các khu du lịch quốc gia, khu vực động lực phát triển du lịch; đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch công nghiệp, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch về đêm, du lịch thể thao; khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh...
Vượt qua từng rào cản một
Nhìn chung, để các ngành công nghiệp văn hoá cùng phát triển, tăng thêm doanh thu và đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, điều kiện tiên quyết là cần đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết những vướng mắc nội tại của từng lĩnh vực.
Đơn cử, với lĩnh vực điện ảnh, theo Hội Điện ảnh Việt Nam, sản lượng phim Việt tăng nhanh, hiện đạt khoảng 50 phim truyện điện ảnh một năm, tạo nên thị trường điện ảnh sôi động, nhất là ở TP HCM. Riêng số liệu thống kê từ hệ thống rạp phim cả nước, tổng doanh thu màn ảnh Việt năm 2019 trên 4.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, con số này giảm xuống còn 710 tỷ đồng do dịch. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp phát hành phim, rạp chiếu phim đều đang “lao đao” bởi dịch bệnh kéo dài. Tại nhiều địa phương, rạp chiếu phim mấy tháng nay vẫn chưa được mở cửa. Mức lương giảm, cuộc sống bấp bênh, nhiều nhân viên của công ty đã phải xin nghỉ việc để tìm cơ hội ở những ngành khác.
Còn ở lĩnh vực mỹ thuật, ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, nhức nhối nhất trong lĩnh vực này chắc chắn là vấn nạn đạo nhái, làm tranh giả diễn biến ngang nhiên và phức tạp trong suốt ba thập niên qua. Tuy nhiên, hướng giải quyết vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Đoàn khẳng định, khi vẫn còn tranh giả thì không thể nào tạo ra thị trường nội địa đúng nghĩa, chuyên nghiệp để thúc đẩy sự sáng tạo và nâng giá tranh: “Đó chính là lý do thị trường nước ngoài đang định đoạt giá tranh Việt chứ không phải trong nước”.
Mặt khác, lĩnh vực nhiếp ảnh Việt Nam cũng gặp vướng mắc ở vấn đề vi phạm bản quyền, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số. Bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, các luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm và công trình văn học, nghệ thuật là cơ sở quan trọng để khuyến khích, phát huy tính sáng tạo của các nghệ sĩ, là giải pháp căn cơ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm duyệt là một trong những rào cản lớn đối với quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ, trí thức. Cụ thể, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nêu rõ, muốn phát triển cần phải tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm: “Khi phát triển công nghiệp văn hóa thì các sản phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Tiền kiểm tức là kiểm duyệt nhu cầu của người dùng, cách thức có thể phá nát thị trường”.
Một số chuyên gia trong giới làm phim cũng đề xuất tự kiểm duyệt khi chiếu mạng – đây là cách thức đã được áp dụng ở nhiều quốc gia. Theo đó, khi tự kiểm, các tổ chức, cá nhân phát hành phim phải tuân thủ theo các điều luật hiện hành, nhất là các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đề xuất: Cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật; ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới; cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực toàn diện, đúng trọng tâm; chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Thông qua chiến lược phát triển văn hoá quốc gia, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy rõ vai trò, vị trí, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước. Và để phát triển văn hoá một cách tổng thể, xứng tầm, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn thể xã hội, từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đến từng cá nhân ở mọi độ tuổi. Khách quan mà nói, đây không chỉ là câu chuyện về kinh tế mà còn là câu chuyện về chính trị, giáo dục… và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội; do vậy tất nhiên cũng không phải trách nhiệm của riêng cá nhân, cơ quan nào. Hơn thế nữa, việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra sức mạnh mềm của Việt Nam để quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng thêm năng lực cạnh tranh khi bước ra “đấu trường” quốc tế.