"Làn sóng" văn chương đầu tiên về đại dịch COVID-19
Bức ảnh ”Windows on to the interior world” (tạm dịch: Cửa sổ vào thế giới bên trong) tập hợp rất nhiều hình ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia Ruth Medjber tại Ireland trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Ruthless Imagery.
Theo tờ Guardian (Anh), những tên tuổi như Ali Smith, Sally Rooney, Roddy Doyle, Catherine Ryan Howard, Sarah Hall… có lẽ là những nhà văn, tiểu thuyết gia đầu tiên cho một dòng văn chương hoàn toàn mới đang ”lên ngôi” và có liên quan mật thiết đến đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, khác biệt với những cuốn sách có chủ đề về COVID-19 trước đây, dòng văn chương về đại dịch là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Kể từ tháng 3 năm ngoái, lệnh giãn cách xã hội được áp đặt ở nhiều nước trên thế giới, nhiều tác giả đã tham gia phòng dịch với tư cách là những người giao nhu yếu phẩm hoặc tình nguyện viên cho các phòng thí nghiệm COVID-19. Một bộ phận tác giả khác phải ”vật lộn” với những dự án dang dở tại nhà trong khi những cơ hội mới ngày càng hạn chế với họ do không thể ra ngoài và tìm kiếm nguồn cảm hứng mới.
Có thể thấy, trong 18 tháng qua, hầu như mọi thông tin trên báo đài, sự chú ý của dư luận, độc giả đều xoay xung quanh chủ đề "COVID-19", xã hội trải qua trạng thái bế tắc và sợ hãi. Bối cảnh này đã truyền cảm hứng cho giới văn chương thế giới thực hiện những tác phẩm mới của họ có liên quan đến đại dịch.
Quả thực, một "làn sóng" đầu tiên của dòng sách về COVID-19 đã thực sự xuất hiện ở Châu Âu trong vài tháng gần đây. Các tác phẩm mới nhất có thể kể tới "Summer" của Ali Smith, "Burntcoat" của Sarah Hall, "The Fell” của Sarah Moss, "Life Without Children" của Roddy Doyle, "56 Days" của Catherine Ryan Howard,….
Dòng văn chương về COVID-19 khai thác nhiều bối cảnh, chủ đề và cảm xúc trong mùa dịch. Đơn cử, nếu như cuốn "Summer" của Ali Smith xây dựng bối cảnh từ các sự kiện có thực tại thời điểm hiện tại; "Burntcoat" của Sarah Hall xoáy sâu vào chuỗi ngày ở nhà đầy ám ảnh của đôi lứa đang yêu trong giai đoạn cách ly toàn xã hội; thì "The Fell" của Sarah Moss viết về sự vô vọng ảm đạm của một người phụ nữ tự cách ly và trở nên điên cuồng khi bị "giam giữ", "Life Without Children" tập hợp những câu chuyện do Roddy Doyle viết trải dài suốt nhiều cuộc giãn cách xã hội ở thành phố Dublin (Ireland) về một "vòng quay" thế giới mới sau khi bị thay đổi bởi đại dịch.
Ali Smith là một trong những tác giả tiên phong trong dòng văn học về COVID-19. Ảnh: Antonio Olmos/The Observer.
Mặt khác, những nỗi sợ trong bối cảnh đại dịch đã trở thành một nguồn cảm hứng mới cho các nhà văn trinh thám. Đơn cử là cuốn ”56 Days” của Catherine Ryan Howard - một nhà văn chuyên viết về thể loại giật gân - kinh dị, đã phát triển cốt truyện đáng sợ về một cặp đôi buộc phải dọn đến ở cùng nhau trong thời gian giãn cách xã hội. Bị ”nhốt” tại nhà, họ bắt đầu nói chuyện với nhau về việc đây có thể phù hợp với một tình tiết nào đó trong một vụ giết người hoàn hảo. Từ đó, những cuộc nói chuyện lặp đi lặp lại đã tác động đến diễn biến tâm lý của hai người theo hướng rùng rợn hơn.
Khách quan mà nói, hầu hết những thảm kịch thế giới trong quá khứ, thậm chí cả những thảm kịch có thể xảy ra trong tương lai, đều có thể trở thành chất liệu trong văn chương. Tuy nhiên, đối với dòng văn học mới về COVID-19, dư luận nghi vấn rằng: Liệu độc giả đã thực sự có thể tiếp nhận dòng văn chương này trong khi đại dịch vẫn đang diễn ra hay không? Liệu nó có tác động đến một bộ phận độc giả theo hướng khiến họ xa rời thực tế do bị cuốn sâu vào những tác phẩm tưởng tượng hay không?