1. Trang chủ /
  2. Làn đường riêng cho xe đạp: Cần lộ trình

Làn đường riêng cho xe đạp: Cần lộ trình

thứ hai, 12/9/2022 15:16 GMT+07
(PLM) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, ùn tắc giao thông và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2022- 2025. Trong đó có yêu cầu nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Theo giới chuyên gia đó cũng là xu hướng hiện đại, văn minh và được nhiều quốc gia thực hiện, góp phần cải thiện sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường. Nhưng để hiệu quả thì cần phải có lộ trình.
Người dân Hà Nội đi xe đạp quanh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Đức Quang

Cụ thể, kế hoạch đề ra hàng loạt giải pháp như: Yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp...

Thành phố cho biết, sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (tập trung nguồn lực hoàn thiện tuyến đường vành đai 3, 5 và vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị, các tuyến đường có tính liên kết vùng…

Hà Nội cũng yêu cầu đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận các đầu mối giao thông công cộng…) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống đường trên địa bàn thành phố có tổng số chiều dài là 23.591km, trong đó có 105 tuyến cao tốc, quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 1.185km; 1.002 tuyến chính ra vào thành phố, 235 tuyến đường trong các khu đô thị.

Hiện tổng số phương tiện do Công an TP Hà Nội đang quản lý (tính đến 14/5/2022) gồm 7,67 triệu phương tiện (trong đó có hơn 1 triệu ô tô, 6,4 triệu mô tô và hơn 179 nghìn xe máy điện; riêng số lượng xe đạp chưa được thống kê).

Liên quan đến việc Hà Nội sẽ nghiên cứu thí điểm làn đường riêng cho xe đạp, đầu năm 2022, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện dự án “Xây dựng hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị”. Báo cáo của nhóm nghiên cứu trong nước cho thấy, ở Việt Nam từ thập niên 1990, số lượng xe đạp giảm dần, nhường chỗ cho xe máy, ôtô. Hiện nay, tỷ lệ người sử dụng xe đạp ở Việt Nam rất thấp, dưới 3%; trong khi tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp và xe thô sơ khoảng 5%. Từ thực tế nghiên cứu cho thấy tổ chức giao thông, xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị là rất cần thiết. Ngoài giảm thiểu rủi ro tai nạn cho nhóm người đi xe đạp, thiết kế hạ tầng dành cho phương tiện này còn góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng đô thị phát triển, làm dịch chuyển nhu cầu theo hướng sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, đề xuất trên cũng nhận được sự đồng tình của các chuyên gia. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc phát triển phương tiện xe đạp là đúng với thực tế khi tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội ngày càng tăng. Do đó Hà Nội cần có nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường thích hợp để bố trí được làn dành riêng cho xe đạp, như các tuyến đường rộng 25m, có 4 - 5 làm xe trở lên và các tuyến đường đó cần có sự liên thông. Ngoài ra cần phải có khảo sát, thống kê lượng xe đạp bình quân hàng ngày đi là bao nhiêu, và quan trọng đánh giá lại việc phát triển xe đạp công cộng đã được thực hiện đến đâu.

“Mặt khác nên phát triển mạng lưới để người dân thuận tiện khi đi xe đạp, vì xe đạp có tác dụng kết nối rất tốt giữa phương tiện này với phương tiên khác, kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị, kết nối giữa xe buýt với đường sắt quốc gia, liên kết các phương tiện với nhau ở cự li ngắn kết nối rất thuận tiện, cần thiết. Đặc biệt là phải có lộ trình và từng bước thực hiện ý tưởng bố trí làn xe đạp riêng. Tính khả thi khó khăn nhưng phải nỗ lực vì trong tương lai xe đạp cần được phát triển”, ông Thủy nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khánh - nguyên Cục trưởng Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: Cần thời gian để người dân Hà Nội thay đổi thói quen đi lại khi việc di chuyển bằng xe đạp bên cạnh các phương tiện cơ giới khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, mất thời gian, tốn sức. Thành phố cần thực hiện điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu của người dân, quy hoạch lại các điểm, bãi trông giữ xe, đặc biệt là xe đạp; tính đến phương án kết nối cho người đi xe đạp với các phương tiện công cộng, taxi và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho họ khi lưu thông cùng ôtô, xe máy.

Đồng tình với việc nghiên cứu làn đường dành cho xe đạp, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhìn nhận, đây là xu hướng của nhiều nước đã và đang thực hiện. Nhiều người tham gia giao thông đang chuyển dần từ phương tiện cơ giới sang xe đạp để tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường.