Lập Tổ chuyên gia triển khai nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên do Chính phủ Pháp tài trợ.
Tổ chuyên gia này sẽ do Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải làm Tổ trưởng, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội…
Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan; xây dựng nội dung dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên làm cơ sở để Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.
Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) - đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên, cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng và sử dụng cho đến bây giờ.
Đánh giá cầu có các nhịp kết cấu thép bắt đầu han rỉ, bị ăn mòn và hai bên đầu cầu đã được cắm biển cấm phương tiện quá tải, ông Vượng cho rằng, hàng năm đơn vị được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng nguồn kinh phí duy tu bảo trì như năm 2021 là 8,3 tỷ đồng; sang năm 2022 kinh phí được giao là 9,7 tỷ đồng.
“Với lượng kinh phí như vậy, việc thực hiện duy tu bảo trì được thực hiện thông qua việc vá víu ổ gà, thay tấm đan… song chỉ đạt 30-45% nhu cầu thực tế và mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, ngoài kinh phí sửa chữa thường xuyên sẽ bố trí thêm các dự án sửa chữa định kỳ cho cầu Long Biên,” ông Vượng kiến nghị.
[Sớm khắc phục các hư hỏng, bố trí vốn để sửa chữa cầu Long Biên]
Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu.
“Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi-Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu,” ông Hải nói.
Sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng.
Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đường sắt trong năm nay kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa cầu Long Biên. Từ đó, bộ tiếp tục báo cáo các cấp thẩm quyền để bố trí vốn triển khai, thực hiện./.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng là một trong ba tuyến huyết mạch của ngành đường sắt gồm tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Lào Cai. Được xếp vào loại cầu yếu, hàng ngày cầu Long Biên vẫn phải “gánh” trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có tàu hỏa, xe máy, xe đạp...
Trong tháng 5/2022, cây cầu này đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, uy hiếp an toàn giao thông.