Liên hợp quốc: Mức độ tàn phá ở Gaza là chưa từng có kể từ Thế chiến II
Liên hợp quốc đánh giá tác động kinh tế xã hội của xung đột Israel - Hamas đã gia tăng "theo cấp số nhân". Mức độ thương vong (5% trong số 2,3 triệu dân Gaza) là "chưa từng có" trong một thời gian ngắn như vậy. Đến giữa tháng 4, hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 80.000 người bị thương. Khoảng 7.000 người khác vẫn mất tích, hầu hết được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Ông Achim Steiner, Quản trí viên Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cho biết: "Mỗi ngày cuộc chiến tiếp diễn sẽ gây ra thêm những tổn thất to lớn cho người dân Gaza và tất cả người Palestine".
Báo cáo của UNDP và Ủy ban Kinh tế Tây Á của Liên hợp quốc đã vẽ ra một bức tranh thảm khốc về cuộc sống ở Gaza sau khi bị bom đạn tàn phá. Khoảng 201.000 việc làm đã bị mất kể từ khi xung đột bắt đầu, nền kinh tế suy giảm 81% trong quý cuối cùng năm 2023.
Phát biểu trong một cuộc họp báo của Liên hợp quốc, ông Abdallah Al Dardari, giám đốc khu vực của UNDP tại các quốc gia Ả Rập, cho biết ước tính gần 50 tỷ USD đầu tư vào Gaza đã bị xóa sổ trong cuộc xung đột và 1,8 triệu người Palestine đã rơi vào cảnh nghèo đói.
Gaza đã bị Israel và Ai Cập phong tỏa kể từ khi Hamas tiếp quản năm 2007. Ngay cả trước xung đột, nơi này đã phải đối mặt với tình trạng "siêu thất nghiệp" lên tới 45%. Lao động trẻ chiếm gần 63% tổng lực lượng lao động.
Theo báo cáo, Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc (chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác) ở Gaza đã bị lùi lại hơn 20 năm.
Ngoài ra, nền kinh tế bị phá hủy với 90% cơ sở sản xuất ở các lĩnh vực khác nhau bị thiệt hại. Ước tính GDP của Gaza có thể giảm 51% vào năm 2024. "Phạm vi và quy mô thiệt hại là chưa từng có và vẫn gia tăng khi xung đột vẫn tiếp diễn", Liên hợp quốc cho biết.
Ít nhất 370.000 đơn vị nhà ở tại Gaza đã bị hư hại, trong đó có 79.000 đơn vị bị phá hủy hoàn toàn, cùng với các tòa nhà thương mại. Theo ước tính, ngay cả khi Israel cho phép tăng gấp 5 lần vật liệu xây dựng vào Gaza, thì phải đến năm 2040 mới có thể khôi phục những ngôi nhà bị phá hủy.
Ông Al Dardari cho biết sau 51 ngày giao tranh giữa Israel và Hamas năm 2014, đã có 2,4 triệu tấn đổ nát ở Gaza. Trong cuộc chiến hiện nay, có 37 tấn mảnh vụn cần được loại bỏ để nhường chỗ cho những nơi trú ẩn tạm thời và các công trình quan trọng khác cho người Palestine ở Gaza.
Ông nói: "Chúng tôi chưa từng thấy mức độ và quy mô tàn phá lớn trong thời gian ngắn như vậy kể từ năm 1945, kể từ Thế chiến II".
Ông cho biết ước tính sơ bộ về chi phí chương trình phục hồi ba năm, giúp hàng trăm nghìn người Palestine trở lại nơi trú ẩn tạm thời, là từ 2 - 3 tỷ USD. Ước tính sơ bộ cho việc tái thiết tổng thể Gaza là từ 40 - 50 tỷ USD.