Loại bỏ những “hạt sạn” dịp du xuân Nhâm Dần
Du khách tháo khẩu trang và không mặc áo phao khi đi đò ở chùa Hương. Ảnh Đông Hồ
“Ngó lơ” nhiều vi phạm
Ngày đầu bán vé thử nghiệm, Khu di tích thắng cảnh chùa Hương (Hà Nội) đón 1.550 khách tới vãn cảnh, lễ chùa. Trong ngày 12/2, mặc dù mưa rét nhưng vẫn có hàng nghìn du khách đến trảy hội. Như mọi năm giá vé không thay đổi. Cụ thể, vé thắng cảnh 80.000 đồng/người, vé đò 50.000 đồng/người, giá vé cáp treo 180.000 đồng/người.
Ngay tại cổng vào di tích, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự thường xuyên nhắc nhở du khách tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Theo Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, có 8 tiểu ban và 2 tổ kiểm tra liên ngành, bố trí lực lượng luân phiên hoạt động 24/24 giờ để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chùa Hương. Du khách hoàn thành khai báo sẽ được phát phiếu "Đã kiểm tra phòng dịch COVID-19" để tiếp tục di chuyển vào không gian di tích.
Sau khi được phép mở cửa trở lại từ ngày 16/2, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương phấn đấu đón gần 1 triệu lượt người tham quan, huy động khoảng 4.000 đò tham gia chở khách. Du khách đến chùa Hương có thể vào khám phá toàn bộ khu di tích từ thuyền, đò, đền chùa, cáp treo…
Tuy nhiên, tại khu di tích chùa Hương, một số khách thập phương đã bỏ khẩu trang bất chấp quy định 5K mà ít bị lực lượng an ninh di tích nhắc nhở. Tại suối Yến, cả ngàn chiếc thuyền neo đậu chờ đón khách, tuy nhiên, trên mỗi chiếc thuyền chỉ có một vài chiếc áo phao mang tính “minh hoạ”.
Có chiếc thuyền chở đến hơn 20 người, thậm chí có thuyền chở đến 30 người, cả người già và trẻ em, chòng chành đi trên sóng nước. Nguy hiểm hơn nữa, rất hiếm hành khách được mặc áo phao trước khi thuyền khởi hành. Các chủ đò tảng lờ việc nhắc nhở du khách. Còn lực lượng chức năng “ngó lơ” việc xử lý vi phạm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa của chủ đò và khách thập phương.
Ngoài ra, xuất hiện một số “cò mồi” tại đây. Trong 2 ngày đầu mở cửa thử nghiệm, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 20 “cò đò” chèo kéo khách gây mất an ninh trật tự tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội). Các đối tượng cùng ở huyện Mỹ Đức, có hành vi lôi kéo tranh giành khách vãn cảnh chùa Hương, gây mất trật tự công cộng.
Lại chuyện “bắt chẹt” khách
Ở nhiều điểm du xuân khác lại có hiện tượng cơ sở dịch vụ bắt chẹt khách, cư xử thiếu văn hóa. Như phản ánh của anh P.T.A, chủ tài khoản Facebook Hoàng Gia ngụ ở Thừa Thiên-Huế vì bị một nhà hàng ép trả tiền, dọa đánh. Ngày 6/2 (tức là mùng 6 tháng Giêng âm lịch), trên đường vào Nha Trang du xuân, gia đình anh đến nhà hàng trên để ăn cơm.
Thấy nhà hàng chỉ để tên món ăn, không niêm yết giá nên anh A cẩn thận hỏi giá các món ăn. Anh A cho hay anh chỉ gọi bốn đĩa cơm nhưng nhà hàng tính tiềm thêm tô canh. Anh A nói chỉ gọi bốn đĩa cơm, không gọi canh và nghĩ canh nằm trong phần bốn đĩa cơm.
“Đang trao đổi thì chủ nhà hàng bưng nguyên tô canh ra đòi tạt lên người chúng tôi và bảo không trả tiền thì đừng hòng rời khỏi nhà hàng. Không những vậy, chủ nhà hàng còn xông vào đánh tôi”- anh A kể. Lo sợ an toàn của ba con nhỏ nên anh A trả tiền đầy đủ để rời khỏi nhà hàng.
Ngay sau khi mạng xã hội và báo chí phản ánh, UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chính quyền địa phương, đoàn kiểm tra liên ngành nhanh chóng có mặt tại địa điểm phát sinh vụ việc để kiểm tra, làm rõ. Theo UBND thị xã Ninh Hòa, vụ việc xảy ra tại nhà hàng CG dưới chân đèo Rọ Tượng thuộc thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Chủ nhà hàng là bà Nguyễn Thu Hương.
Cơ quan chức năng xác định chủ nhà hàng có những lời lẽ quát mắng, hành vi dọa ném tô canh lên người khách hàng là có xảy ra theo phản ánh của du khách. Đây là hành vi kém văn hóa, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương.
Do đó, UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo UBND xã Ninh Ích, các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không niêm yết công khai giá dịch vụ; đồng thời chấn chỉnh hành vi thiếu văn hóa phục vụ của nhà hàng.
Ngoài ra, Trang thông tin Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của Trung tâm xúc tiến du lịch Khánh Hòa sẽ mở chuyên mục “bêu” tên những cơ sở có dấu hiệu chặt chém để người dân và du khách biết.
Được biết, tại Nghị định 110 về Quản lý và tổ chức lễ hội đi vào đời sống đã quy định rất rõ, giao trách nhiệm cho tất cả các ngành, từ công an, y tế, giao thông cho đến văn hóa, thông tin và truyền thông… Trong các hoạt động đó, các ngành phải chủ động để xây dựng kế hoạch, để tăng cường công tác quản lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực của mình.
Nghị định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp quản lý rất rõ ràng. Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.