Loạn xe điện hoạt động “chui” tại các Khu du lịch biển ở Thanh Hóa
Loạn xe điện hoạt động "chui"
UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết, năm 2022, lựa chọn 5 đơn vị (doanh nghiệp) tại Khu du lịch biển Hải Tiến để thực hiện hoạt động thí điểm vận tải khách theo quy định, với tổng số xe là 125/180 xe. Những xe này được đăng ký, đăng kiểm, lái xe được kiểm tra về bằng cấp, đào tạo về văn hóa, thái độ phục vụ khách tuân thủ các quy định.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tham gia thí điểm xe điện bốn bánh chưa có bãi đậu xe. Tình trạng xe điện bốn bánh đậu đỗ dưới lòng, lề đường không đúng vị trí quy định gây cản trở giao thông trong khu du lịch còn xảy ra. Một số phương tiện trong quá trình hoạt động còn đậu đỗ, đón khách chưa đúng điểm, không đúng thời gian quy định. Tình trạng tranh giành khách, chở quá số người quy định, hoạt động ngoài phạm vi tuyến đường quy định, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe theo quy định.
Tình trạng nhân viên lái xe, phục vụ, không mặc đồng phục, không có thể đeo, dán ảnh diễn ra thường xuyên, chưa có bảng niêm yết giá vé cụ thể, chủ yếu là do thỏa thuận. "Công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp xe điện chưa được quan tâm, chưa có nội quy hoạt động. Có tình trạng xe điện chở khách đến các địa điểm mua hàng hóa, dịch vụ với giá cả cao hơn thị trưởng làm ảnh hưởng đến hình ảnh, chất lượng dịch vụ", UBND huyện Hoằng Hóa cho biết.
Ngoài ra, qua rà soát thực tế vẫn còn rất nhiều xe điện không đủ điều kiện hoạt động của các hộ cá thể, hoạt động tự phát ở 8 xã của huyện Hoằng Hóa là 128 xe.
Những xe này đa phần chưa được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp theo quy định, đậu, đỗ tùy ý gây bức xúc cho các phương tiện tham gia giao thông, người dân, du khách…
Tại Sầm Sơn, hiện địa phương này có 474 xe điện đang hoạt động, về cơ bản xe điện phục vụ cơ bản tốt nhu cầu của người dân, du khách. Tuy nhiên, những hành vi chở khách vào các nhà hàng, khách không xuống ăn lại đuổi khách không chở nữa. Tình trạng gạ khách mua nước mắm, mua hải sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề đậu, đỗ bừa bãi, chạy ẩu, lạng lách vẫn còn diễn ra... Ngoài việc thành lập các tổ công tác chuyên xử lý qua đường dây nóng, Sầm Sơn yêu cầu lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của xe điện, thậm chí sẽ tạm giữ xe từ 15 ngày đến 1 tháng mới đủ sức răn đe.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, lực lượng Công an TP. Sầm Sơn đã xử phạt 560 trường hợp xe điện 4 bánh dừng đỗ không đúng vị trí, đầu năm 2023 xử phạt 3 trường hợp. Tổng số tiền nộp phạt cho Nhà nước gần 500 triệu đồng.
Xử lý nghiêm
Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an TP. Sầm Sơn, Công an các huyện: Hoằng Hoá, Cẩm Thuỷ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông như: Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm và không gắn biển số; hoạt động không đúng phạm vi, tuyến đường theo quy định; chở quá số người, chạy quá tốc độ…
Các địa phương chưa được cấp phép chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm và kiên quyết không cho lưu thông đối với xe điện 4 bánh hoạt động tự phát để chở học sinh, khách tham quan du lịch trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng xe điện 4 bánh tại các huyện, thành phố được phép hoạt động thí điểm nhưng hoạt động không đúng phạm vi, tuyến đường đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện chèo kéo khách, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn; Xe điện 4 bánh hoạt động tự phát trên các tuyến đường chưa được phép hoạt động thí điểm để chở học sinh, khách tham quan du lịch tham gia giao thông.