1. Trang chủ /
  2. Long Biên (Hà Nội): Khu nhà ở Thạch Bàn, “lỗi” từ quy hoạch đến thực hiện?

Long Biên (Hà Nội): Khu nhà ở Thạch Bàn, “lỗi” từ quy hoạch đến thực hiện?

thứ tư, 28/6/2023 11:24 GMT+07
Do vướng trong giải phóng mặt bằng khu nghĩa trang, nên phần tiện ích của dự án Khu nhà ở Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) chưa thể xây dựng. Loạt tiện ích như trường học, vườn hoa, bãi xe mà Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng (MHDI) hứa hẹn vẫn nằm trên giấy. Ai sẽ chịu trách nhiệm và liệu MHDI có còn đủ “uy tín” để người dân tiếp tục gửi niềm tin vào nhà đầu tư thuộc Bộ Quốc phòng?
Trường học, cây xanh chưa thấy, nhưng đất bị sử dụng sai mục đích tại dự án Khu nhà ở Thạch Bàn.

Quy hoạch trường học vào nghĩa trang

Năm 2009, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới khu nhà ở tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên với mục tiêu xây dựng khu vực chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ.

Năm 2010, Hà Nội chấp thuận đầu tư Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn, chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc Phòng (nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng). Dự án góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, sỹ quan quân đội và nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Dự án gồm chung cư khoảng 738 căn hộ, trong đó khoảng 160 căn nhà ở xã hội; nhà ở thấp tầng khoảng 114 căn, trường học các cấp, nhà ở di dân, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng đơn vị ở.

Đại diện Tổng Công ty MHDI làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.
Đại diện Tổng Công ty MHDI làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

Công ty có trách nhiệm xây dựng công trình hạ tầng xã hội gồm: Nhà trẻ, mẫu giáo và công trình công cộng đơn vị ở; đối với trường tiểu học trách nhiệm xây dựng thuộc về UBND quận Long Biên theo hình thức công lập (nếu hết năm 2011 địa phương chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, công ty được phép thực hiện hoặc lựa chọn nhà đầu tư thứ phát); đối với trường THCS và THPT công ty có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thứ phát. Tiến độ dự kiến đến quý IV/2013 hoàn thành.

Quá trình triển khai dự án bị chậm tiến độ nhiều năm, khởi công từ 2011 đến 2018 mới xong phần thấp tầng, chung cư, một số hạ tầng. Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Kết luận Thanh tra, chỉ ra 1 số vi phạm, cụ thể: Đến thời điểm thanh tra còn 13.837,7m2 thuộc các ô đất trường tiểu học, THCS, THPT, ô công cộng, bãi xe, vườn hoa phía Bắc dự án hiện Tổng công ty chưa triển khai xây dựng là chậm thực hiện dự án theo tiến độ được duyệt.

Lý do chậm, theo Kết luận Thanh tra do khách quan vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các ô đất trường học và công cộng.

Chủ đầu tư đã xây nhà, bán xong còn các cháu học sinh phải chờ trường vì quy hoạch vào nghĩa trang, đây là câu chuyện chung của nhiều dự án tại Hà Nội.
Chủ đầu tư đã xây nhà, bán xong còn các cháu học sinh phải chờ trường vì quy hoạch vào nghĩa trang, đây là câu chuyện chung của nhiều dự án tại Hà Nội.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ và làm việc với Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng chúng tôi nhận thấy rằng, ngay từ khi lập, trình và phê duyệt quy hoạch dự án này đã thiếu tầm nhìn khi đưa ra phương án di dời nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ. Mặc dù về mặt quy hoạch, việc di dời nghĩa trang ra khỏi khu dân cư, khu đô thị là chủ trương tốt nhưng thực tế là rất khó thực hiện, trong khi pháp luật chưa có cơ chế cưỡng chế đối với mồ, mả thì Luật hình sự còn có điều khoản cấm xâm phạm mồ, mả, hài cốt.

Do vậy, từ chủ trương di dời hàng nghìn ngôi mộ để đến gần chục năm sau, chủ đầu tư phải đề xuất không thu hồi 10.934m2 đất nghĩa trang và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Mục đích quây phần nghĩa trang lại dẫn tới hàng loạt công trình, hạ tầng công cộng, giáo dục bị đình trệ, người dân về ở nhiều năm nhưng không có trường học cho con cái họ khiến chất lượng sống bị giảm sút, đời sống người dân bị ảnh hưởng, Nhà nước cũng bị thất thu thuế vì không thể cho thuê đất nhiều năm. Để xảy xa sự việc này, cần phải có người chịu trách nhiệm trước nhân dân?

Chưa hết, năm 2018, Tổng công ty này lại đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội cho điều chỉnh chức năng đất công cộng thành đất hỗn hợp (Công cộng, nhà ở và dịch vụ thương mại) khiến người dân sống tại dự án bức xúc. Khi phóng viên hỏi về vấn đề này, đại diện Tổng công ty không nắm được và hứa sẽ cho kiểm tra, thông tin lại sau.

Năm 2018, Tổng công ty đề xuất điều chỉnh chức năng ô đất công cộng và nghĩa trang.
Năm 2018, Tổng công ty đề xuất điều chỉnh chức năng ô đất công cộng và nghĩa trang.

Khảo sát thực tế tại dự án, phần đất quy hoạch trường học, một phần đã biến thành bãi chứa vật liệu xây dựng, rác thải. Đại diện Tổng Công ty MHDI cho rằng, không biết ai để vật liệu xây dựng ở đó và cũng không rõ có ai cho họ thuê đất làm bãi vật liệu hay tự họ lấn chiếm và hứa sẽ tiến hành kiểm tra.

Tại sao phần nhà điều hành cũ khi tiến hành xây dựng dự án nay đã biến thành kho bãi, ai cho thuê và theo quy hoạch phải xây dựng hạng mục gì thì đại diện Tổng công ty “quên” không trả lời tại buổi làm việc với phóng viên.

Đối với việc chậm trễ xây dựng trường học, ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc MHDI cho biết: Do vướng chưa giải phóng mặt bằng xong, phía Tổng công ty đã đề xuất điều chỉnh 1/500 khu vực trường học, công cộng, nếu thành phố đồng ý thì mới xây dựng được, chưa biết thời gian nào sẽ triển khai xây dựng.

Khi phóng viên hỏi vì sao lúc quy hoạch từ đầu Tổng công ty không đề xuất khoanh nghĩa trang ngay mà đề xuất di chuyển, phải chăng khâu quy hoạch bị “lỗi” dẫn tới chậm tiến độ, việc này phía Tổng công ty có trách nhiệm như thế nào thì ông Nguyễn Hoàng Lâm cho rằng, việc quy hoạch là do Viện Quy hoạch thực hiện theo quy hoạch của thành phố, phía Tổng Công ty không tham gia.

Nhiều vấn đề cần xem xét

Tiếp phóng viên, có ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc, đại diện các đơn vị thành viên, các phòng ban của Tổng Công ty MHDI. Về nội dung không đấu giá (hoặc đấu thầu) để lựa chọn chủ đầu tư mà chỉ định chủ đầu tư đối với một số dự án do Tổng công ty là chủ đầu tư gồm: Khu nhà ở Thạch Bàn; dự án Khu nhà ở Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp và Dự án MHDI-1 (CT5, CT6) đường Lê Đức Thọ thì ông Lâm cho biết, chỉ có dự án Tăng thiết giáp là đất Bộ Quốc phòng giao, các dự án còn lại thực hiện theo chính sách thông thường.

Ông Lâm trao đổi thêm, việc giao đất tại 2 dự án khu nhà ở Thạch Bàn và Dự án MHDI-1 (CT5, CT6) đường Lê Đức Thọ thực hiện giao đất theo chính sách thông thường và đúng quy trình, được UBND Thành phố Hà Nội giao đất.

Khi phóng viên trao đổi theo quy định thì 2 dự án này cần thực hiện việc đấu giá hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, việc chỉ định (chấp thuận) nhà đầu tư là chưa đúng quy định, cần phải được xem xét lại. Đại diện Tổng công ty cho rằng, việc giao đất có đấu giá, đấu thầu hay không là trách nhiệm, quyền hạn của thành phố, nếu sai thành phố chịu trách nhiệm, Tổng công ty không có trách nhiệm về vấn đề này.

Tòa nhà Ban quản lý dự án nay được sử dụng làm bãi xe, kho bãi.
Tòa nhà Ban quản lý dự án nay được sử dụng làm bãi xe, kho bãi.

Mặt khác, có thông tin cho rằng, có 1 số căn hộ xã hội, căn hộ bán cho cán bộ, chiến sỹ được bán không đúng đối tượng. Để khách quan thông tin, phóng viên đề nghị được tiếp cận danh sách khách hàng là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở cán bộ chiến sỹ thì Trưởng Ban pháp chế Tổng công ty cho rằng, đây là danh sách cần được bảo vệ vì tính riêng tư của khách hàng. Sau khi được phóng viên giải thích đây không phải là thông tin bí mật và cần phải công khai để kiểm soát thì ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc hứa sẽ xin ý kiến cấp trên và thông tin sau vì danh sách này Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc hứa sẽ gửi văn bản trả lời các vấn đề Báo tìm hiểu, nhưng đến nay sau 2 tuần chờ đợi chúng tôi không nhận được thông tin gì thêm.

Để làm rõ các nội dung trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng sớm có chỉ đạo kiểm tra, xác minh.