1. Trang chủ /
  2. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia

thứ ba, 25/10/2022 10:17 GMT+07
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Mục đích xây dựng luật nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Trong đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.


Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.
Các ĐBQH nghe Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo đó dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dẫn chiếu, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, bổ sung quy định về an toàn thông điệp dữ liệu.

Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng…

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam; đồng thời cơ bản tán thành với quy định về đối tượng áp dụng như tại Điều 2 dự thảo Luật, có sự kế thừa của Luật Giao dịch điện tử hiện hành, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể hiện lại Điều 2 để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật.

Trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trân trọng đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…