“Lưới” an sinh ngày càng được mở rộng
Tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng
Năm 2017 - trước thời điểm có Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người.
Từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch COVID-19.
Đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, tăng hơn 325.000 người so với năm 2020, tương đương với mức tăng 28,92%, chiếm 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28 giao.
Kết quả tích cực trên có thể thấy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam.
Ngành BHXH đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại.
Theo đó, BHXH đã bắt đầu sản xuất và phát hành các loại hình infographic, motion graphics và video để lan truyền để truyền thông về quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT, lan tỏa các thông điệp về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
Đây được coi là một dấu ấn đổi mới nổi bật trong công tác sản xuất, phát hành sản phẩm truyền thông của ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 28, cũng như xu thế truyền thông mới trong thời đại số.
Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của ngành được phát huy tối đa và hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động phức tạp trên toàn quốc, các hoạt động truyền thông trực tiếp phải hạn chế, giảm thiểu.
Bước sang năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự thay đổi của một số chính sách, đã làm số người tham gia BHXH tự nguyện giảm. Tính đến hết tháng 6 năm 2022, BHXH tự nguyện có khoảng 1,323 triệu người.
Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT ổn định, bền vững, BHXH Việt Nam đề nghị toàn ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia. Trong đó, tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt.
Vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện
Thực tế, những người chưa tham gia BHXH tự nguyện đa phần là lao động tự do, nên cách tiếp cận để tuyên truyền cần đổi mới, đa dạng, gắn với đặc điểm của từng địa bàn, từng nhóm nhỏ đối tượng.
Tại một số hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các mô hình, cách làm hay để phát triển BHXH tự nguyện của địa phương mình.
Đơn cử, tại tỉnh Trà Vinh, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã phát huy hiệu quả. Tham gia mô hình, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào heo, đến kỳ sinh hoạt Chi hội Phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện.
Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm, mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Chỉ trong năm 2021, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020), đạt 158,3% chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh giao và trong 5 tháng đầu năm 2022 phát triển được 2.215 người, đạt 85,75% kế hoạch BHXH tỉnh giao. Hiện nay, mô hình này đã được triển khai và nhân rộng với 40 tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.
Hay tại tỉnh An Giang, BHXH tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền mới như: Vinh danh đơn vị sử dụng lao động 3 năm liền thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; vinh danh gương sáng đại lý thu, vinh danh UBND các xã, phường, thị trấn đạt độ bao phủ BHYT toàn dân nhằm đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt.
Hoặc các mô hình tuyên truyền hay từ tỉnh đến huyện như: “Tổ tự quản BHYT kiểu mẫu”, “gia đình BHYT kiểu mẫu”, “ống heo an sinh”…
Còn tại TP Hà Nội, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, một trong những thành công của BHXH TP là đã triển khai mô hình xã, phường điểm tại 30 quận, huyện, thị xã.
Theo đó, mỗi quận, huyện lựa chọn trên địa bàn một xã, phường có một trong các lợi thế như điều kiện về kinh tế, hoạt động phong trào phát triển mạnh, có sự quan tâm tích cực về chính sách BHXH, BHYT của cấp ủy, chính quyền cơ sở, xã nông thôn mới… để xây dựng mô hình điểm có tính đột phá về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Từ đó nhân rộng triển khai trên toàn địa bàn.
Nhờ đó, đến cuối năm 2021, tại mô hình 30 xã điểm đã có 6.494 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 10,25% tổng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021, tăng 3.129 người so với trước khi triển khai mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện.
Từ những mô hình hay, những kết quả tích cực trên có thể thấy công tác truyền thông chính sách BHXH giữ một vai trò rất quan trọng, đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.