Mang Xẩm đến Trường Sa
Nữ ca sĩ Hà Myo trong chuyến đi Trường Sa mới đây.
Ca sĩ Hà Myo cho biết, đây là lần thứ hai chị quay trở lại với Trường Sa, lần đầu là vào năm 2006. Mỗi lần đi thì đều có những cảm xúc khác nhau nhưng có một điểm chung đấy là niềm tự hào khi bản thân mình được ra Trường Sa và cảm nhận được những khó khăn ở vùng đất xa xôi của Tổ quốc. “Tôi cũng rất thích được trò chuyện, ca hát cùng các chiến sĩ ở ngoài đấy. Tôi cảm nhận được sức trẻ, sự nhiệt huyết và lòng yêu nước từ con người họ. Khi tôi thực hiện chuyến hành trình đến Trường Sa, nhận được sự chào đón nồng hậu, sự hiếu khách, tiếp đãi từ các chiến sĩ làm cho tôi cảm thấy chuyến đi rất ý nghĩa, thấy yêu hơn Tổ quốc của mình và mong muốn được cống hiến nhiều hơn” - ca sĩ Hà Myo nói.
PV: Mang tiếng hát của mình “ra đảo” xa, chị mong muốn cho đi điều gì và nhận lại điều gì?
Ca sĩ Hà Myo: Thật ra ban đầu khi thực hiện chuyến hành trình ra Trường Sa tôi cũng chỉ mong muốn là mang lời ca tiếng hát tới các chiến sĩ thôi. Nhưng sau khi bắt đầu mang âm nhạc nghệ thuật truyền thống đến với khán giả thì tôi thấy việc được mang Xẩm ra Trường Sa có nhiều ý nghĩa, đây cũng chính là một trong những ước nguyện trên con đường theo đuổi nghệ thuật của tôi. Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi bản thân có thể làm điều đó.
Hà Myo là một trong những nghệ sĩ trẻ chọn cho mình lối đi riêng, khác với dòng nhạc đi theo xu hướng, điều gì đã thôi thúc chị quyết tâm đi theo con đường này?
- Ban đầu thì ý tưởng này xuất phát là để dành cho một cuộc thi về âm nhạc. Nhưng, thật may mắn vì sản phẩm này dành được giải thưởng Bài hát hay nhất về Hà Nội. Khi bài hát được lan tỏa rộng rãi hơn đến công chúng, tôi nhận được nhiều phản hồi tốt về ca khúc, thời điểm đó khi đọc được những bình luận của khán giả, tôi nghĩ rằng thì ra khán giả bây giờ cũng rất quan tâm đến dòng nhạc dân gian truyền thống. Cá nhân tôi là một ca sĩ trẻ, một thanh niên trẻ cũng đã vô tình bị âm nhạc xu hướng làm mình quên đi giai điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Cùng với mong muốn phổ biến rộng rãi hơn dòng nhạc dân gian đến với mỗi khán giả Việt một lần nữa đã thôi thúc tôi thực hiện quyết tâm mà bản thân đã đặt ra. Và động lực của tôi lúc bấy giờ chính là từ những lời nhận xét, bình luận tích cực của khán giả.
Trên hành trình theo đuổi con đường âm nhạc của mình, chị đã gặp phải những khó khăn gì?
- Với mỗi nghệ sĩ trẻ để định hình phong cách trên con đường âm nhạc đều gặp phải những khó khăn nhất định. Riêng với dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi, bản thân mình thấy khó nhất là việc kết hợp Xẩm với các loại hình khác nhau. Bởi, Xẩm vốn là giai điệu của dân tộc, người làm nhạc phải kết hợp làm sao để giai điệu đấy không bị sai lệch, kệch cỡm, vô duyên. Muốn như vậy, tôi bắt buộc phải tự học rất nhiều, phải tìm đến rất nhiều chuyên gia, để tôi có thể ra mắt được một sản phẩm chỉn chu nhất, hoàn chỉnh nhất.
Vì sao chị lại chọn Xẩm?
- Bản thân tôi đến với Xẩm rất vô tình, không có sự sắp đặt hay lựa chọn. Khi hát Xẩm, tôi được sống là chính mình, không cần phải trưng trổ quá nhiều kỹ thuật, không áp dụng quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc. Bản thân tôi cảm thấy mình rất hợp với bộ môn nghệ thuật này. Trước đây, khi chưa hiểu rõ về sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh thì tôi nghĩ rằng chắc chắn đó sẽ là một bài hát hay, đặc biệt, đặc sắc và dễ nghe. Nhưng đến khi kết hợp Xẩm, tôi mới thấy một sản phẩm âm nhạc đôi khi không cần quá hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật. Đối với tôi, một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh là một sản phẩm có giá trị xã hội, truyền tải được đúng thông điệp mà tác giả, người thể hiện ca khúc hướng tới. Đồng thời sản phẩm âm nhạc khi đến được với khán giả sẽ truyền tải được ý nghĩa và lan tỏa nhiều cảm hứng, giá trị tích cực. Đây cũng chính là điều quan trọng nhất.
Trong nhiều năm bền bỉ theo đuổi nghệ thuật cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, đến thời điểm hiện tại, chị còn điều gì tiếc nuối?
- Lúc đầu bản thân tôi cũng cảm thấy rất tiếc, vì tại sao mình lại không biết đến Xẩm sớm hơn, không sớm tìm được con đường cho mình. Thế nhưng, đến khi bắt tay vào thực hiện tôi nhận ra rằng thật ra tuổi tác cũng không thành vấn đề, hay việc có gia đình cũng vậy. Đến thời điểm hiện tại, tôi nhận ra rằng chỉ khi chúng ta không làm thôi còn đã làm thì không còn điều gì phải tiếc nuối cả.
Góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển âm nhạc nghệ thuật dân gian, đưa Xẩm ra quốc tế, chị kỳ vọng điều gì thông qua những “đứa con tinh thần” của mình dành cho khán giả?
- Mong muốn của tôi vẫn luôn kiên định từ những ngày đầu bước chân chập chững trên hành trình theo đuổi nghệ thuật vẫn là mang Xẩm - dòng nhạc dân gian phổ biến hơn trong cuộc sống, để làm sao các bạn trẻ ngày nay có thể yêu thêm âm hưởng của dân tộc.
Mục tiêu của tôi luôn luôn xuyên suốt và kéo dài. Việc mang những thể loại âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì, miệt mài và lao động. Tôi vẫn tin chắc rằng nếu bản thân miệt mài cống hiến, tìm tòi sẽ có một ngày dòng nhạc dân gian sẽ thịnh hành, phổ biến hơn trong cuộc sống.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!