1. Trang chủ /
  2. Mía đường khó phát triển vì các nhà máy vẫn... "ăn dày"

Mía đường khó phát triển vì các nhà máy vẫn... "ăn dày"

thứ tư, 26/1/2022 11:45 GMT+07
(PLM) - Đóng vai trò chủ đạo ở đầu chuỗi cung, song lợi ích của người trồng mía thu được chưa đầy 11% trong tổng lợi nhuận từ chuỗi. Việc bán mía cho các nhà máy cũng bị o ép bởi chữ đường do các nhà máy quyết định. Đây là 2 nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ đối với ngành mía đường.

Theo ông Hồ Thành Biên, một hộ nông dân trồng mía ở Tây Ninh, khó khăn lớn nhất của những hộ trồng mía là không biết giá trị thực sản phẩm mình làm ra. Cũng cây mía ấy, vụ mía ấy, đi kiểm nghiệm tại đơn vị chuyên môn độc lập thì chữ lượng đường cao, nhưng nhà máy thu mua thì lại báo thấp, làm giảm giá.

“Nhiều nhà máy thu mua chưa đến 1 triệu đồng/tấn mía là hết sức khó hiểu. Một tấn mía đem đi đơn vị khác phân tích chênh lệch tới 4-5 chữ đường. Trong khi mía Tây Ninh mà vẫn chỉ được 7 chữ đường. Người nông dân luôn bị thiệt thòi, họ không biết lợi nhuận thực sự được bao nhiêu bởi các nhà máy đường không minh bạch công khai điều này” - ông Biên nói.

Mặc dù Luật Giá quy định về hiệp thương giá nhưng chưa bao giờ họ được các nhà máy hiệp thương.

“Với 11% lợi nhuận được hưởng theo chuỗi, vậy 89% lợi nhuận rơi vào túi ai?” - ông Biên đặt câu hỏi. Đồng thời đề nghị cần có Luật Mía đường, ít ra là một nghị quyết về giá thu mua, phân chia công khai, minh bạch theo quy chuẩn để bảo vệ quyền lợi người nông dân. Ông Hồ Thành Biên chỉ là một trong 126.000 hộ trồng mía hiện nay. Con số này đã giảm từ gần 219,5 nghìn hộ vào thời điểm năm 2017.

Báo cáo nghiên cứu “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững” do Tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy, diện tích mía hiện chỉ còn 151.000ha, giảm 45% so với diện tích 274.000ha trong vụ mía 2016-2017. Các nhà máy đường cũng giảm từ 38 nhà máy của năm 2017 xuống còn 29 nhà máy như hiện nay, sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 0,77 triệu tấn, tương đương mức giảm 38%.

Bù đắp cho 60% lượng đường thiếu hụt đó là đường nhập khẩu (cả chính ngạch và nhập lậu) chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan. Trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2 - 1,8 triệu tấn đường. Lượng nhập năm 2020 tăng gần 340% so với năm 2019.

Cũng theo Báo cáo của Forest Trends, mức lợi nhuận dưới 11% trong chuỗi mà người trồng mía Việt Nam nhận thấp hơn nhiều so với lợi nhuận mà người trồng mía tại các nước khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines thu được (ở mức 60-70%) khi họ tham gia chuỗi. “Điều này không tạo được động lực cho người trồng mía tại Việt Nam tham gia sản xuất” - TS. Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia Forest Trends nhấn mạnh.

Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), mức độ cạnh tranh của ngành mía đường rất yếu, nông dân và nhà máy bắt buộc phải có sự liên kết. Câu chuyện minh bạch chữ đường (CCS) đã tồn tại 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Nhà máy cần có sự quản lý sao cho minh bạch và việc này hoàn toàn có thể được giải quyết nếu áp dụng công nghệ.

Ông Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường (SRI) - cho biết, đường không phải sản phẩm xuất khẩu nên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ không nhiều.

“Việc nâng chất lượng giống sản xuất có chữ đường cao sẽ đem lại lợi cho cả DN và nông dân, nhưng “điểm nghẽn” ở đây nhiều năm chưa giải quyết được là nông dân không nhìn được lợi ích từ việc nâng cao chất lượng giống, không có lòng tin vào các nhà máy đường. Do đó SRI không thể chuyển giao công nghệ được” - ông Đương phân tích.

Cũng theo Viện trưởng SRI, hiện khoảng 60% nông dân cả nước không tin vào CCS (chữ đường). “Mía họ làm ra, nhưng không tin thì làm sao? Đem đi kiểm nghiệm, nhà máy không công nhận, ai sẽ giúp nông dân làm chuyện này?” - ông Đương phát biểu.

Viện trưởng SRI đề nghị phải rõ ràng, minh bạch thông tin phân chia lợi nhuận và minh bạch trong đánh giá chữ đường. “Đây là 2 vấn đề mấu chốt nhất hiện nay. Tất cả việc còn lại, trồng giống gì, trồng như thế nào … là việc của người nông dân. Nhà máy đường cứ tham lam không chia sẻ lợi nhuận với người nông dân thì ngành mía đường không phát triển được” - ông Đương thẳng thắn.

“Thái Lan có khoảng 300 nghìn nông hộ trồng mía, họ đều tham gia vào 30 Hiệp hội, HTX. Hội Nông dân cũng có vai trò quan trọng nhưng không thể thay thế được vai trò của HTX. Để người nông dân có tiếng nói, dứt khoát phải tham gia HTX. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích hộ nông dân tham gia vào HTX. Đặc biệt, Nhà nước phải can thiệp vào giá và chữ đường…”, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.



Thanh Thanh