1. Trang chủ /
  2. Mỹ trừng phạt hàng chục cá nhân vì cáo buộc tham nhũng

Mỹ trừng phạt hàng chục cá nhân vì cáo buộc tham nhũng

thứ ba, 12/12/2023 21:41 GMT+07
Nhà chức trách Mỹ hôm 11/12 cho biết, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 2 cựu quan chức Afghanistan và 44 công ty liên quan vì một kế hoạch tham nhũng, trong đó họ bị cáo buộc đã bòn rút hàng triệu USD trong quỹ của Chính phủ Mỹ dành cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani (phải ảnh) và con trai Ajmal Rahmani nằm trong "danh sách đen" bị trừng phạt của Mỹ do dính líu tham nhũng. Ảnh: Hasht-E Subh

Theo Hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nêu tên 2 cựu quan chức là cựu Chủ tịch Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani (người đã phục vụ trong Hạ viện Afghanistan trước khi Chính phủ sụp đổ vào năm 2021), và con trai ông là Ajmal Rahmani (một nhà lập pháp khác của Afghanistan có biệt danh là "Armored Ajmal") vì công việc kinh doanh bán xe chống đạn của ông cho giới tinh hoa Kabul.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Thông qua các công ty Afghanistan thuộc sở hữu của mình, cha con nhà Rahmani đã thực hiện một kế hoạch tham nhũng mua sắm phức tạp dẫn đến biển thủ hàng triệu USD từ các hợp đồng do Chính phủ Mỹ tài trợ lực lượng an ninh Afghanistan”.

Các biện pháp trừng phạt được áp đặt nhằm đóng băng tài sản của những đối tượng bị nhắm mục tiêu ở Mỹ và cấm công dân cũng như các công ty Mỹ hợp tác kinh doanh giao dịch với họ.

Những người tham gia vào một số giao dịch nhất định với họ cũng có nguy cơ bị trừng phạt.

Quyết định trừng phạt được đưa ra dựa trên và thực thi Đạo luật Magnitsky toàn cầu, nhắm vào những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tham nhũng trên khắp thế giới.

Trong tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ đã mô tả một số âm mưu bị cáo buộc mà theo đó, gia đình Rahmani đã làm giàu cho chính họ.

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc nhà Rahmani gian lận trong đấu thầu các hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho Lực lượng An ninh và Quốc phòng Afghanistan (ANDSF), thổi phồng giá trong các hợp đồng một cách bất thường bằng cách gửi hồ sơ dự thầu giả.

“Trong năm 2014, một số gia đình tham gia kinh doanh nhiên liệu, bao gồm cả gia đình Rahmani, đã thông đồng để tăng giá nhiên liệu trong các hợp đồng do Mỹ tài trợ lên hơn 200 triệu USD và loại bỏ giá thầu của đối thủ cạnh tranh”, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Trong một kế hoạch khác, nhà Rahmani bị cáo buộc gian lận trong việc nhập khẩu và bán nhiên liệu miễn thuế cũng như cung cấp dưới mức nhiên liệu mà họ đã ký hợp đồng cung cấp.

“Sau khi hối lộ để vào Hạ viện Afghanistan, Rahmani đã sử dụng các vị trí chính thức của mình để duy trì hệ thống tham nhũng”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm.

Bên cạnh cha con nhà Rahmani, Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 44 công ty, trong đó có 23 công ty ở Đức, 8 công ty Síp, 6 công ty Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, 2 công ty Afghanistan, 2 công ty ở Áo, 2 công ty Hà Lan và 1 công ty ở Bulgaria.

Đáng chú ý, Nhà Trắng đã ban hành một tuyên bố mở rộng thẩm quyền của Chính phủ Mỹ nhằm hạn chế sự nhập cảnh của những người nước ngoài có liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng cũng như các thành viên gia đình của họ.

Ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách Khủng bố và Tình báo Tài chính, nhận định: “Quyết định trừng phạt ngày hôm nay nhấn mạnh cam kết của Bộ Tài chính Mỹ trong việc buộc những kẻ lợi dụng các vị trí đặc quyền của mình để thu lợi cá nhân phải chịu trách nhiệm”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về các hành động nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới. Nguồn: U.S. Department of State
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về các hành động nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới. Nguồn: U.S. Department of State

Cũng trong ngày 11/12, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhân Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (9/12) và khai mạc Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng lần thứ 10, Mỹ đang thực hiện các hành động để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những kẻ tham nhũng trên toàn thế giới.

Trong đó, Bộ Ngoại giao đang thống kê hơn 30 cá nhân vào danh sách trừng phạt, bao gồm Diana Kajmakovic, cựu công tố viên nhà nước ở Bosnia và Herzegovina vì liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng, hỗ trợ những kẻ buôn ma túy và tội phạm khác, giúp che giấu bằng chứng, ngăn chặn việc truy tố và hỗ trợ hoạt động tội phạm để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Nhân vật tiếp theo là Osman “Osmica” Mehmedagic, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Bosnia và Herzegovina, người đã hợp tác với mạng lưới tội phạm và lạm dụng chức vụ công để làm giàu cho bản thân.

Ngoài ra còn có Jean Alain Rodriguez Sanchez, cựu Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Dominica, bị cáo buộc biển thủ công quỹ dành cho các dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước và các tổ chức Chính phủ tài trợ.

Cựu Thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive bị cáo buộc lạm dụng chức vụ công, tham gia vào hoạt động tham nhũng làm suy yếu tính liêm chính của Chính phủ nước này…