1. Trang chủ /
  2. Năm 2022: Luật nào có hiệu lực?

Năm 2022: Luật nào có hiệu lực?

thứ tư, 2/2/2022 00:10 GMT+07
(PLM) - Từ đầu năm 2022, 6 Luật bắt đầu có hiệu lực thi hành. Cũng trong năm 2022 có 15 dự án Luật dự kiến được xây dựng, sửa đổi.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các nội dung quan trọng tại Kỳ họp Quốc hội. (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) sửa đổi 2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Đáng chú ý, Luật này bổ sung thẩm quyền xử phạt VPHC cho một số cơ quan và chức danh như Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan THADS thuộc Bộ Tư pháp… Đồng thời tăng mức xử phạt VPHC tối đa đối với một số lĩnh vực như (điểm a khoản 10 Điều 1): Lĩnh vực giao thông đường bộ: mức phạt tối đa 75.000.000đ. (Hiện hành là 40.000.000đ); lĩnh vực báo chí: mức phạt tối đa 250.000.000đ. (Hiện hành là 100.000.000đ).

Bổ sung quy định giảm, miễn tiền phạt cho đối tượng là tổ chức (hiện hành chỉ quy định cho cá nhân); đồng thời, giảm mức quy định được hoãn phạt tiền với cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000đ xuống còn 2.000.000đ. (khoản 37, 38 Điều 1); thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia… (khoản 32 Điều 1).

Thứ hai, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020 với 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Trong đó có một số quy định đáng chú ý như: hộ gia đình (HGĐ), cá nhân không phân loại rác, không sử dụng bao bì đúng quy định có thể bị từ chối thu gom. Quy định nêu rõ: cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của HGĐ, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định (Điều 77);

Hay quy định về hoạt động kiểm toán môi trường: là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SX, KD, DV), khuyến khích cơ sở SX, KD, DV tự thực hiện kiểm toán môi trường;

Các đối tượng được Luật quy định phải có giấy phép bảo vệ môi trường như: dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức; dự án đầu tư, cơ sở, khu SX, KD, DV tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định ở trên. (Điều 39).


Thứ ba, Luật Biên phòng Việt Nam 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11/11/2020 gồm 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Trong đó có quy định về hệ thống tổ chức của Bộ đội biên phòng (BĐBP) gồm có: Bộ Tư lệnh BĐBP; Bộ chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP; Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng (Điều 21).

Thứ tư, Luật Phòng, chống ma túy 2021 gồm 55 Điều, được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021.

Trong đó Luật có quy định đáng chú ý như: nghiêm cấm việc kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy. (Điều 5). 04 trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể gồm: người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy (Điều 22)

Thứ năm, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 gồm 74 Điều, được Quốc khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020.

Luật này có quy định cấm đưa NLĐ Việt Nam hoặc NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với 09 công việc như công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập… (Điều 7); nghiêm cấm việc thu tiền môi giới của NLĐ (hiện hành NLĐ có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định) (Điều 7).

Luật cũng quy định có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Hiện hành, quy định bắt buộc phải thông qua hợp đồng) (Điều 5).

Thứ sáu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021 được Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021.

Luật này có quy định: định kỳ 05 năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước. Luật cũng thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được ban hành theo Luật Thống kê sửa đổi 2021.


Nguồn: Pháp luật Plus