1. Trang chủ /
  2. Năm học 2023-2024: Nhiều trường đại học tăng học phí, thí sinh cân nhắc chọn trường

Năm học 2023-2024: Nhiều trường đại học tăng học phí, thí sinh cân nhắc chọn trường

thứ hai, 3/4/2023 09:58 GMT+07
Sau thời gian giữ ổn định mức học phí do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học dự kiến sẽ tăng thu học phí, thí sinh cần cân nhắc khả năng tài chính khi chọn trường, chọn ngành.
Ảnh minh họa.

Theo quy định, từ năm học 2022-2023, các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo đó, học phí đại học công lập sẽ tăng với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12 - 24,5 triệu đồng/năm học 10 tháng. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24 - 49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30 - hơn 61 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân sau dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.

Sau 2 năm không tăng học phí, mùa tuyển sinh đại học năm nay, nhiều trường đại học thông báo sẽ tăng học phí trong năm học mới 2023-2024.

Học viện Tài chính đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu.

Năm học 2023-2024: Các trường đại học tăng học phí, thí sinh cân nhắc chọn trường - Ảnh 2.
Ảnh minh họa.

Hai năm qua, trường Đại học Điện lực thu học phí hơn 14 triệu đồng một năm với sinh viên khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ là gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng một tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu.

Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng dự kiến tăng tối đa 10% học phí với khóa sắp tuyển.

Đại học Mở Hà Nội, Y tế công cộng, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo học phí năm học 2023-2024 của 12 khoa, trường thành viên được thu theo Nghị định 81. Theo đó, mức trần học phí năm học tới với đại học công lập chưa tự chủ khoảng 13 - 28 triệu đồng, tăng 13 - 50%. Với các trường tự chủ, học phí tối đa có thể gấp 2,5 lần mức trên.

Đại học Kinh tế TP.HCM nâng mức học phí lên 940.000 đồng/tín chỉ với chương trình chuẩn. Còn các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mức học phí gấp 1,4 lần so với các học phần giảng dạy bằng tiếng Việt. Năm ngoái, học phí của trường dao động 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5 - 29,9 triệu đồng/năm).

Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) quyết định mức học phí 30 triệu đồng/năm với chương trình trình chuẩn. Mức này tăng 2,5 triệu đồng so với mức dự kiến năm ngoái.

Đại học FPT tăng học phí chính khóa là 28,7 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm 57,4 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, sinh viên phải đóng 25,3 triệu đồng/học kỳ, năm học 2022 và 2023, học phí là 27,3 triệu đồng/học kỳ.

Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM tăng thu học phí tăng theo lộ trình. Cụ thể, năm học tới, học phí các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành Điều dưỡng có mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước).

Đại học Ngân hàng TP.HCM chương trình chuẩn có mức học phí 7,05 triệu đồng/học kỳ (tăng nhẹ so với mức dự kiến năm ngoái). Chương trình đại học chính quy chất lượng cao gần 18 triệu đồng/học kỳ. Trong khi đó, học phí chương trình quốc tế, liên kết đào tạo quốc tế giữ nguyên 212,5 triệu đồng/toàn khóa học (đã bao gồm học phí tiếng Anh, chương trình chính khóa, kỹ năng mềm...). Sinh viên học 8 học kỳ, học phí trung bình 26,5 triệu đồng/học kỳ.

Nhiều đại học dự kiến tăng học phí năm 2023 - Ảnh 2.
Mức trần học phí với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ chi thường xuyên bậc đại học theo Nghị định 81.

Thí sinh cần cân nhắc khả năng tài chính khi chọn trường, chọn ngành

Theo các chuyên gia tuyển sinh, thông tin về học phí của các trường đại học cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Bởi thực tế, có không ít thí sinh khi bước chân vào giảng đường đại học đã phải "đứt gánh giữa đường" vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn. Bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường vì cách tính học phí hiện nay không đồng nhất, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ. 

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã quy định rõ các trường phải công khai học phí nhưng trên thực tế vẫn có những cách "lách", như có trường chỉ đưa một vài dòng thông tin rất mờ nhạt trong đề án tuyển sinh hay vẫn đăng lên cổng thông tin của trường nhưng sau đó lại ẩn ở một vị trí rất khó tìm, thậm chí có trường không công khai học phí đúng thời gian quy định, đợi khi thí sinh đăng ký xét tuyển được một thời gian mới công bố. Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, để minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho người học, Bộ GD&ĐT cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc công khai học phí, chương trình đào tạo như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố.

Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, dù lựa chọn ngành học nào, thí sinh và phụ huynh cũng nên tập trung xem xét 4 yếu tố chính.

Trước hết, về năng lực của thí sinh. Có nhiều công cụ để phân tích năng lực như trắc nghiệm quốc tế, tham vấn ý kiến thầy cô giáo, xin tư vấn chuyên gia, đọc sách báo… nhằm khám phá năng lực thực sự.

Thứ hai là tìm hiểu nhu cầu nhân lực của ngành. Ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực nhưng sắp tới có dư thừa không, có thiếu hụt không; sự chuyển biến, cấu trúc nhân lực trong từng ngành như thế nào?

Thứ ba là sở thích, đam mê. Ngành nào cũng khó, không có ngành nào dễ. Để đi đến cùng và đạt được thành công với ngành thì cần đam mê, sự yêu thích của thí sinh.

Thứ tư là năng lực tài chính của gia đình: Nếu ngành học phí cao quá, thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc nhưng đừng để tài chính hạn chế đam mê.