Nam Định: Kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ hơn 100 triệu USD sắp hoàn thành
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ được động thổ ngày 19/11/2020. Cụm công trình nằm trong dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc bộ - Dự án WB6, nhằm đào một tuyến kênh dài khoảng 1km, rộng 90-100m nối thông giữa sông Đáy và Ninh Cơ.
Tuyến kênh đào này nhằm phục vụ phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, để phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại. Trên tuyến kênh đào này được xây dựng một âu tàu rộng 17m, dài 179m và sâu 7m để phục vụ tàu thuyền lưu thông qua, kết hợp điều tiết thủy lợi, ngăn mặn. Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại.
Kênh đào này nối hai sông Đáy – Ninh Cơ, cắt ngang Đường tỉnh 490 nên được làm một cầu bê tông vượt kênh để đảm bảo giao thông đường bộ. Cầu có chiều dài gần 778m và đường dẫn gần 1,5km, tĩnh không cao 15m.
Âu tàu nằm giữa hai sông, vận hành tương tự như kênh đào nổi tiếng Panama. Khi có tàu vào, một bên đóng kín, bên còn lại mở cho tới khi mực nước sông cân bằng với bên trong để tàu qua, và ngược lại. Mỗi chu kỳ một tàu qua kéo dài khoảng 15 phút, trong đó 2 phút bơm nước để cân bằng phía trong và ngoài sông.
Khi công trình hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho nhiều tàu chở hàng container đi qua, thay vì phải tới cảng Hải Phòng và di chuyển bằng đường bộ như hiện nay. Khi có tàu, cửa lớn vẫn đóng và chỉ mở hai cửa xả nhỏ phía dưới. Khi nước phía trong và ngoài sông cân bằng, cửa mới mở để cho tàu qua. Ngoài ra, cửa này còn có nhiệm vụ ngăn nước mặn từ sông Đáy.
Được biết, toàn bộ công trình được xây dựng bởi các kỹ sư trong nước, 90% thiết bị cũng tự sản xuất. Hiện công trường chia làm ba ca làm việc để kịp tiến độ, phần việc chủ yếu là cắt đê, đắp tôn tạo. Công trình cũng đã đạt tiến độ hoàn thành hơn 80%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động tháng 6/2023.
Công trình sẽ mở thêm triển vọng cho vận tải đường thủy nội địa trong bối cảnh cần nhiều hơn nữa các sáng kiến và hạ tầng để phát triển vận tải đa phương thức, tăng cường kết nối vùng, tối ưu hóa sử dụng và chia sẻ nguồn lực giữa các địa phương.