Nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ tư pháp, pháp chế
Nghệ An là 1 trong 10 địa phương mà Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp ưu tiên, quan tâm triển khai tổ chức hội nghị tập huấn về nội dung này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An Nguyễn Thị Lan chia sẻ, bảo vệ môi trường là một phạm trù luôn được xã hội quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang tiến sâu vào hội nhập quốc tế. Do đó, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phối hợp với Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức Hội nghị “Nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường” với mục đích tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng các định hướng, chính sách, quy định pháp luật mới về bảo vệ môi trường.
Thông qua hội nghị nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ Tư pháp, cán bộ Pháp chế trong việc tổ chức thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại địa phương. Đồng thời, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần vào việc tổ chức, triển khai thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Minh Khuê, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp đã trực tiếp trao đổi, giới thiệu chuyên đề về “Các tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.
Thông qua điểm lại các vụ việc vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nước ta thời gian qua, ông Nguyễn Minh Khuê nhấn mạnh các điểm mới như bổ sung 12 tội danh về vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Cùng với bổ sung đối tượng vi phạm là pháp nhân thương mại, Luật cũng bổ sung hệ thống chế tài đối với pháp nhân thương mại, trong đó có hình thức xử phạt cao như phạt tiền lên tới 20 tỷ đồng/hành vi…
Tại lớp tập huấn, chuyên gia Hiệp hội Công nghiệp và Môi trường Việt Nam ông Hoàng Văn Vy - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã trình bày chuyên đề “Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”. Chuyên gia đã giới thiệu, trao đổi một số tình huống điển hình về xử lý các sự cố môi trường biển Formosa, vụ xả thải của Vedan ra sông Thị Vải... Nêu lên các khó khăn trong việc xây dựng đưa ra các quy định, chế tài về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường, các điểm mới về về xử lý vi phạm hành chính về môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ.
Tại lớp tập huấn, các cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế, thanh tra chuyên ngành còn được các chuyên gia giới thiệu khái niệm mới trên lĩnh vực bảo vệ môi trường như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trên thế giới và Việt Nam; các chính sách, pháp luật và giải pháp Việt Nam đang triển khai để thực hiện chiến lược phát triển bền vững và tăng trưởng xanh…