1. Trang chủ /
  2. Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

thứ năm, 28/3/2024 23:25 GMT+07
Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Lớp tập huấn do ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk chủ trì.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu khai mạc lớp tập huấn.

Nhóm chuyên gia tập huấn gồm Tiến sỹ Nguyễn Văn Hợi - Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Nguyễn Thị Long - Giảng viên chính, Trường Đại học Luật Hà Nội; các đại biểu thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Ban Dân tộc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Cục Thi hành án dân sự, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đăng ký đất đai, tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tín dụng đến từ các địa phương: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mục đích hoạt động tập huấn này là góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phổ biến, áp dụng pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm cho bên vay là phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Học viên tham gia tập huấn sẽ là những nhân tố tích cực làm cầu nối lan tỏa hoặc trực tiếp hỗ trợ, thực hiện hoạt động cụ thể giúp các nhóm dễ chịu sự tác động bất lợi như phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có thêm năng lực, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn có bảo đảm với chi phí thấp, ít rủi ro phục vụ lao động, sản xuất, phát triển kinh tế cá nhân, phát triển kinh tế gia đình, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và sự ổn định, phát triển chung về kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tại Lớp tập huấn, với phương pháp tập huấn đổi mới là hướng về người học, các giảng viên và đại biểu đã cùng tương tác, trao đổi tích cực, đa chiều thông qua hình thức làm việc nhóm, thuyết trình, tình huống giả định từ các giảng viên, tình huống thực tế từ các học viên... về các kiến thức, kỹ năng nhận biết, kỹ năng giải quyết vấn đề pháp lý trong xác định nguồn vốn tiếp cận, lựa chọn áp dụng các biện pháp bảo đảm, lựa chọn tài sản được dùng để bảo đảm, việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm và cơ chế pháp lý có thể áp dụng khi có việc vi phạm nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm.