Nâng cao nhận thức và sự phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam
Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Nguyễn Minh Triết Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trên Thế giới, Công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo
Tại Việt Nam, Công tác xã hội cũng đã được nhiều kết quả. Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.
Tiếp nối Đề án 32, ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số: 112/QĐ-TTg Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; Đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Hội thảo do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nhiều vấn đề xã hội đang tiếp tục nảy sinh cần được quan tâm giải quyết, nhiều quy định pháp lý cần được quan tâm hoàn thiện. Vì vậy, nhân dịp kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 7, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam”. Đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Công tác xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Ban tổ chức, hội thảo đã thu hút được hơn 70 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên ở trong nước và quốc tế. Khách mời tham dự hội thảo đến từ các Bộ, ngành, các tổ chức NGOs đang hoạt động tại Việt Nam, Hội, đoàn thể chính trị - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở trợ giúp xã hội và các trường có đào tạo công tác xã hội trong nước và quốc tế; Các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về công tác xã hội.
Ban tổ chức tặng quà tới các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo
Tại phiên toàn thể, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Định hướng phát triển Công tác xã hội tại Việt Nam thời gian tới; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công tác xã hội và khuyến nghị đối với Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Khung pháp lý phát triển công tác xã hội.
Bên cạnh phiên toàn thể, hai phiên chuyên đề cũng được tổ chức. Trong đó, phiên chuyên đề 1 có chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý và dịch vụ công tác xã hội –Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam”. Nội dung tập trung vào các vấn đề: Tổng quan về phát triển công tác xã hội; Rà soát chính sách pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; Công tác xã hội trong trường học; Khuyến nghị phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam; Tầm quan trọng sống còn của sự hợp tác với cộng đồng trong phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Toàn cảnh hội thảo
Phiên chuyên đề 2 có chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội”. Nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội; Xây dựng hệ thống kiểm huấn trong công tác thực hành công tác xã hội; Công tác xã hội với người lao động; Công tác xã hội với thanh thiếu niên; Nhu cầu và khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội chuyên nghiệp; Kinh nghiệm về đào tạo thực hành công tác xã hội tại Mỹ; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nguồn nhân lực công tác xã hội.