1. Trang chủ /
  2. Ngăn chặn “xâm lăng văn hóa”

Ngăn chặn “xâm lăng văn hóa”

thứ hai, 15/1/2024 09:04 GMT+07
Trong xu thế hội nhập quốc tế, “biên cương văn hóa” là ranh giới vô hình, mong manh, rất khó quản lý và ngăn chặn sự “xâm lăng” từ bên ngoài vào, tác động khôn lường đến xã hội, nhất là giới trẻ. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là động lực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống văn hóa lai căng và sự “xâm lăng mềm” về văn hóa.
Trào lưu video “mukbang” từ Hàn Quốc lan rộng tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều hệ lụy về thói quen ăn uống không lành mạnh. (Nguồn ảnh: Korea Link)

Hệ lụy tôn sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn

Quyền tự do lưu hành, quảng bá, phổ biến các sáng tạo văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng hiện nay dẫn tới tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, tràn lan các sản phẩm độc hại. Trong số đó có rất nhiều “rác phẩm” như các loại phim khai thác cảnh nóng, khiêu dâm, bạo lực, giang hồ xăm trổ; những MV âm nhạc “câu view”, “câu like” với nội dung vô nghĩa, tiêu cực; clip tục tĩu, phản cảm, vô bổ chủ yếu để lôi kéo sự chú ý của các khán giả trẻ hoặc với mục đích quảng cáo, bán hàng;…

Văn học, phim, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn trên không gian mạng như mỹ thuật, hội họa, nhiếp ảnh và trò chơi trực tuyến... đang tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách thanh, thiếu niên. Hệ quả từ cuộc “xâm lăng văn hóa” thời đại kỷ nguyên số không còn là nguy cơ, mà trở thành thực trạng đáng lo ngại đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Các nền tảng mạng xã hội thông dụng ở Việt Nam có điểm chung là sử dụng thuật toán phân phối để tạo nên nội dung xu hướng, ưu tiên những nội dung “nóng” được nhiều người quan tâm. Điều này dẫn đến những nội dung xu hướng độc hại phát tán đến giới trẻ rất nhanh và trên diện rộng. Ai có nhiều người theo dõi, nhiều lượt “thích” sẽ được đặt tên là “Idol” (Thần tượng) hay “KOL”, “influencer” (người có sức ảnh hưởng). Như vậy, ai cũng có thể trở thành người sáng tạo nội dung và “nổi tiếng” trên thế giới ảo trong một khoảng thời gian nhất định.

Về tình trạng này, nhiều chuyên gia truyền thông cảnh báo, một bộ phận người trẻ hiện nay không thích xem các vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa, nhưng lại hứng thú và tung hô những người giỏi chửi bới, lừa đảo, nói xấu nhau trên mạng hoặc chạy theo những trào lưu dị biệt, phản khoa học. Điển hình, trào lưu làm video “mukbang” xuất phát từ Hàn Quốc rồi lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể với trào lưu này, người thực hiện video sẽ ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính ăn uống và giao lưu, chia sẻ với người xem. Những video “mukbang” đồ ăn càng nhiều, càng lớn, càng độc lạ, mắc tiền thì càng thu hút được nhiều người xem, giúp chủ kênh có thể tăng lượt theo dõi và tương tác. Những “nhà sáng tạo” này có thể được cộng đồng mạng “phong” là “thánh ăn” khi thu hút được lượt theo dõi “khủng”. Tuy nhiên, trào lưu “mukbang” tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khoẻ đối với chính chủ kênh và bất cứ ai bắt chước theo. Việc ăn quá nhiều, trong đó có nhiều thực phẩm chiên dầu, nhiều gia vị có thể gây ra các bệnh lý về đường tiêu hoá, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Ngoài hiện tượng này, còn có cả những “thần tượng” dẫn dắt lối sống thực dụng, tiêu cực với quan điểm không cần đi học, đi làm, muốn kiếm tiền thì đơn giản là hẹn hò qua mạng để nhận người bao nuôi. Hay những “thần tượng” như kiểu “giang hồ mạng”, “thánh chửi”, thường khoe mẽ những hành vi ngông cuồng, bạo lực, chửi tục nhưng vẫn thu hút đến vài trăm nghìn lượt theo dõi, bình luận, chủ yếu từ giới trẻ.

Những “thần tượng” này cũng bao gồm một bộ phận người nổi tiếng, đã có thành tích hoạt động nghệ thuật nhưng lên mạng là chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau, thậm chí vi phạm pháp luật. Những “thần tượng” nhố nhăng trên mạng ảo đang trở thành một trong những xu hướng dẫn tới nguy cơ bùng phát lối sống lệch chuẩn trong giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ cũng muốn thu hút lượt xem, lượt chia sẻ hoặc muốn kiếm tiền trên thế giới ảo, mà “lao vào” tạo ra nhiều nội dung vô bổ, bắt theo xu hướng độc hại, từ nhảy múa khoe thân đến quảng cáo cờ bạc, phim ảnh dung tục; từ miệt thị người khác, kích động vùng miền đến tung hô những giá trị đi ngược lại với xã hội, thậm chí phản văn hóa, phi giáo dục. Trong đó, rất nhiều trào lưu được du nhập từ nước ngoài, từ phim điện ảnh, phim truyền hình, các video ngắn, vlog, game streaming (chơi và tường thuật game trực tuyến), các video “chơi khăm” (prank), hình chế (meme)...

Sự tôn sùng văn hóa ngoại lai lệch chuẩn, thích thưởng thức những “rác phẩm” trên không gian mạng... đã và đang dần hình thành lối sống dị biệt, đi ngược với văn hóa truyền thống dân tộc trong một bộ phận giới trẻ. Một số thanh niên sau khi tiếp thu mới kiến thức hỗn độn và văn hóa lai căng, nhố nhăng trên không gian mạng rồi quay lại chê bai mọi thứ của đất nước, các giá trị truyền thống của cha ông, của dân tộc, cho rằng những điều đó là lạc hậu, trì trệ.

Điều đó góp phần “nghiệp dư hóa”, “bình dân hóa” công việc sáng tạo văn hóa nghệ thuật, ảnh hưởng đến sự phát triển đúng hướng và lành mạnh của văn hóa nước nhà, đồng thời tạo nên một thế hệ công chúng có gu thẩm mỹ nghèo nàn, tầm thường, về lâu dài sẽ ảnh đến nền tảng tinh thần, tầm vóc của văn hóa dân tộc. Điều nguy hại nữa là ảnh hưởng đến lý tưởng, mục đích sống của thế hệ trẻ, khuyến khích một lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần.

Chặn “xâm lăng văn hóa” bằng chính văn hóa

Bản sắc văn hóa chính là công cụ chống lại “xâm lăng văn hóa”. (Nguồn ảnh: visithcmc.vn)

Không thể phủ nhận, xã hội số, văn hóa số đem lại những cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức mới trong xây dựng, phát triển văn hóa. Tuy nhiên, các lĩnh vực giải trí, nghệ thuật trong nước cũng bị “lấn át” trên chính “sân nhà” bởi các sản phẩm văn hóa nước ngoài.

Điển hình trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam, kể cả phim chiếu rạp và phim chiếu trên các nền tảng xuyên biên giới thì phim nước ngoài vẫn ở địa vị thống trị. Có nhiều nguyên nhân như hệ thống phân phối phần lớn thuộc về các nhà phân phối nước ngoài; nhiều bộ phim “bom tấn” nước ngoài có kinh phí rất lớn cho sản xuất và quảng bá,… Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một thực tế là, phần lớn phim Việt chưa đủ sức hấp dẫn khán giả, vẫn còn hạn chế cả về nội dung, kỹ xảo, diễn xuất, giá trị thương mại,… Phim ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật vừa giúp các bạn trẻ thụ hưởng những giá trị, vừa góp phần điều chỉnh tư duy, hành vi của con người. Phim Việt không thể chinh phục được khán giả, nhất là người trẻ, họ sẽ tìm đến những bộ phim nước ngoài và tiếp nhận văn hóa, suy nghĩ, lối sống nước ngoài. Nhiều bộ phim ngoại có thể đem đến các giá trị tốt đẹp, nhân văn nhưng cũng không ít bộ phim cổ suý suy nghĩ, lối sống không phù hợp với người Việt Nam. Không chỉ phim chiếu rạp, hệ thống nền tảng phim trực tuyến cũng chứng kiến sự thống trị của các hãng nước ngoài, trong đó không ít nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền đã được phát hiện trên các ứng dụng này. Ví dụ, trên Netflix, các bộ phim như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta”, “Một đời một kiếp”, “Little women”, “Hướng gió mà đi”, “MH370: Chiếc máy bay mất tích”… đều đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì có nội dung phản ánh không chính xác, vi phạm pháp luật, hoặc thậm chí vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Lĩnh vực âm nhạc cũng chứng kiến nạn du nhập ồ ạt, thiếu chọn lọc. Một số nhóm nhạc nước ngoài gây “sốt” chỉ bởi ngoại hình và vũ điệu đẹp mắt mà chẳng cần hiểu ca từ hay yếu tố nghệ thuật ra sao. Chính điều này đã cổ súy cho xu hướng coi trọng yếu tố nhìn nhiều hơn nghe, đề cao tính giải trí hơn tính nghệ thuật trong lối cảm thụ âm nhạc của người trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xuất hiện một số người trẻ Việt Nam tự xưng là ca sĩ với những bài hát “nhạc chợ” nhảm nhí cùng màn biểu diễn khoe thân phản cảm. Những “thần tượng” này cũng tạo ra những sản phẩm âm nhạc lai căng, chạy theo các mô típ nước ngoài để phục vụ thị hiếu dễ dãi, “sính ngoại” của người nghe. Những MV “na ná” một thần tượng nào đó ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ,… phần nào làm “méo mó” đời sống âm nhạc trong nước. Khi những giá trị văn hoá bản sắc bị coi nhẹ, người làm sáng tạo nghệ thuật chỉ mải mê theo đuổi “cuộc chiến câu view, câu like” để được nổi tiếng nhanh hơn.

Rõ ràng trong cuộc chiến chống lại sự “xâm lăng văn hóa” có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng của các cấp, ngành chức năng trong quản lý, ngăn chặn sự thẩm lậu những “rác phẩm” cũng như bảo tồn, phát huy để bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hệ quả của sự “xâm lăng” ấy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho không gian mạng hay các nhà chức trách mà còn ở chính ý thức và trách nhiệm công dân.

Đặc biệt, thế hệ trẻ phải thực sự khẳng định bản lĩnh để chống lại nguy cơ bị đồng hóa văn hóa, bị “hòa tan” trong xu thế hội nhập quốc tế. Bên cạnh dọn dẹp lại một môi trường văn hóa tiêu cực, việc ươm mầm phát triển cho không gian văn hóa với bản sắc riêng, phát huy nội lực bằng những sản phẩm chất lượng, có chiều sâu là nhiệm vụ cấp thiết, dùng chính bản sắc văn hóa nước nhà làm công cụ sắc bén để ngăn chặn “xâm lăng văn hóa”.


Có thể bạn quan tâm