1. Trang chủ /
  2. Ngân hàng cần tính toán lãi suất để tiếp cận doanh nghiệp

Ngân hàng cần tính toán lãi suất để tiếp cận doanh nghiệp

thứ hai, 23/10/2023 13:52 GMT+07
Khẳng định lãi suất điều hành sẽ ổn định trong thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng các ngân hàng cần phải tính toán câu chuyện lãi suất để tiếp cận được doanh nghiệp.
Ngân hàng cần tính toán mức lãi suất để tiếp cận doanh nghiệp. (Ảnh minh họa) Ngân hàng cần tính toán mức lãi suất để tiếp cận doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng tín dụng tháng sau cao hơn tháng trước

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất; chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với cả dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NH giảm khoảng 2,0%/năm so với cuối năm 2022). Theo báo cáo của các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

“Các DN yên tâm với tỷ giá trong thời gian tới. Có thể hôm nay, hôm qua vẫn lên. Vàng thế giới lên, vàng trong nước lên, tỷ giá nhiều khi “ăn theo” tâm lý thị trường. Vấn đề cung - cầu có thể có trạng thái ngoại tệ lúc tăng, lúc giảm nhưng chúng tôi khẳng định biến động tỷ giá vẫn nằm trong biên độ điều hành. DN không nên có tâm lý chờ đợi giá USD lên, có ngoại tệ từ xuất khẩu không bán cho NH hay mua ngoại tệ để găm giữ… Tất cả chuyện đó sẽ dẫn đến thua thiệt của DN…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú đưa ra lời khuyên.

“Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp của NHNN, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đồng thời, NHNN đã điều hành linh hoạt, chủ động thị trường tiền tệ, tỷ giá để tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động SXKD, xuất nhập khẩu của DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ…” - bà Giang cho hay.

Cũng theo Vụ trưởng Hà Thu Giang, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; Đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây. (Tăng trưởng tín dụng các tháng 1 đến tháng 8/2023 lần lượt là 0,1%, 0,85%, 2,58%, 3,03%, 3,27%, 4,73%, 4,54% và 5,57%).

Ngân hàng thừa thanh khoản

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện các NH đang thừa thanh khoản, huy động nhiều, nhưng cho vay chậm hơn các năm trước. “Như vậy là dòng tiền nằm “chết” ở NH, vòng quay tiền tệ rất chậm. Như vậy không thể tốt đối với nền kinh tế, đây là biểu hiện trì trệ của nền kinh tế…” - Lãnh đạo NHNN phân tích.

Về lãi suất, Phó Thống đốc cho biết tình trạng phổ biến là lãi suất cho vay cao bây giờ cho vay thấp, các NH nhất là các NH nhỏ có thể ảnh hưởng ngay đến kế hoạch tài chính.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Tú khẳng định quan hệ giữa NH và DN là mối quan hệ cộng sinh bởi: “Ngân hàng cần doanh nghiệp, doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng. Thế nên cần phải tháo gỡ khó khăn cho DN. Nếu NH chỉ nhìn vào việc đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà không hạ lãi suất thì sao ổn?” - Phó Thống đốc nhắc nhở.

Về xu hướng điều hành lãi suất trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN cho biết, lãi suất sẽ theo hướng ổn định nhưng sẽ theo xu hướng hạ thấp trong điều kiện có thể, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp nhưng luôn luôn quán xuyến kiểm soát lạm phát.

Theo lãnh đạo NHNN, hiện cả nước có hơn 100 NH lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân… Do vậy, không có cớ gì mà DN phải phụ thuộc vào một NH. “Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, NHNN bảo đảm nguồn vốn về thanh khoản cho nền nền kinh tế, thanh khoản cho các NH và có đủ công cụ hỗ trợ cho các NH để có nguồn vốn giá rẻ.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng
Ngày 21/10/2023, Thủ tướng ký Công điện 990/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Đáng chú ý, Thủ tưởng yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể đã đề ra, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Có chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, các DN phục vụ cho các động lực tăng trưởng.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng phù hợp của các NH thương mại nhằm hỗ trợ người dân, DN cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh SXKD.