1. Trang chủ /
  2. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc: Khơi dậy sức mạnh, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc: Khơi dậy sức mạnh, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân

thứ năm, 28/9/2023 20:53 GMT+07
Sáng 28/9, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Quang cảnh Hội nghị.

Thực sự trở thành nhu cầu tự thân của người dân

Trình bày Báo cáo kết quả 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, sau 20 năm tổ chức, Ngày hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam qua từng thời kỳ

Nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các vị Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã về chung vui cùng với Nhân dân ở cả phần lễ và phần hội với sự đổi mới cả nội dung và hình thức. Ngày hội thực sự trở thành nhu cầu tự thân của người dân, là phương thức điển hình để tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của cộng đồng.

Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của Nhân dân và củng cố vững chắc khối ĐĐK ở mỗi khu dân cư trên cả nước.

Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập.

“Ngày hội chính là phương thức quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam để phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng đất nước”- bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Khẳng định việc tổ chức hiệu quả Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của MTTQ Việt Nam các cấp trong tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc…, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp cần tăng cường tham mưu, đề xuất đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền đối với việc tổ chức Ngày hội hiệu quả, thiết thực. Chú trọng những địa bàn có tính đặc thù, giảm thiểu các hình thức tổ chức Ngày hội kém hiệu quả; bảo đảm nguồn lực và xã hội hóa nguồn lực trong tổ chức Ngày hội.

Tránh “hành chính hóa” để tạo không khí đầm ấm, vui tươi

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch về đổi mới, nâng cao chất lượng Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Trong đó cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa của Ngày hội.

Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên trong hướng dẫn tổ chức Ngày hội; phát huy tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân trong đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội. Tăng cường công tác biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Đề cập tới việc thống nhất tên gọi, thời gian tổ chức, quy mô và điều kiện tổ chức ngày hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở sẽ thống nhất tên gọi “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và được tổ chức trong khoảng từ 01/11- 18/11 hằng năm. Tùy theo điều kiện cụ thể, hằng năm các địa phương có thể hướng dẫn cơ sở và khu dân cư tổ chức Ngày hội vào cùng một thời điểm để đảm bảo sự tập trung và thống nhất. Các địa phương có thể lựa chọn quy mô tổ chức: khu dân cư, liên khu dân cư; cấp xã, liên cấp xã; cấp huyện…

Chia sẻ những trăn trở đối với việc tổ chức Ngày hội, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho biết, sau 20 năm, Ngày hội được triển khai tổ chức ngày càng sâu rộng ở hầu hết khu dân cư trên phạm vi cả nước, trở thành nét đẹp truyền thống mang tính toàn quốc, toàn dân, toàn diện.

Trong thời gian tới, ông Huỳnh Đảm đề nghị cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ MTTQ chuyên trách, phát huy sự năng động, sáng tạo của của cán bộ Mặt trận ở khu dân cư. Việc tổ chức Ngày hội phải phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn dân cư, tránh “hành chính hóa” để tạo không khí đầm ấm, vui tươi, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân.

Khẳng định việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc ngày càng đổi mới về nội dung, hình thức, gắn với thương hiệu của MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, điểm nhấn trong việc tổ chức Ngày hội là việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua nền tảng số, fanpage của MTTQ Việt Nam, các phương tiện phát thanh, truyền hình… Nhờ đó không khí Ngày hội được lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, từng người dân trong cộng đồng dân cư.

Bà Nguyễn Lan Hương cho rằng cần phát huy sự năng động, sáng tạo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong việc đổi mới nội dung, hình thức và lựa chọn nội dung tổ chức Ngày hội phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Đồng thời, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa, làm phong phú hơn nội dung, phương thức tổ chức Ngày hội.

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua có thể thấy, giá trị đặc trưng của Ngày hội chính là sự sẻ chia, sự gắn kết; sự hòa quyện giữa các sắc màu văn hóa và cuộc sống của người dân trong mỗi cộng đồng thông qua các trò chơi dân gian. Ngày hội cũng là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.