Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 1150/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Kim Sơn là vùng đất mở ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt. Nói đến Kim Sơn là người ta nghĩ đến làng nghề dệt chiếu truyền thống, đây là một nét văn hóa đặc trưng của địa phương.
Qua hàng trăm năm quai đê lấn biển, Kim Sơn có những bãi sa bồi mênh mông, là xứ sở của cây cói, cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào để nghề chế tác sản phẩm cói không ngừng phát triển.
Cây cói ở Kim Sơn mềm mại, óng ả. Trước đây, sản phẩm bằng cói ở Kim Sơn chủ yếu dùng để dệt chiếu. Ngày nay, các sản phẩm được chế tác từ cói rất phong phú, đa dạng, ngoài chiếu cói còn có thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, mũ, túi… Sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn hiện đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chiếu cói Kim Sơn và những sản phẩm được làm từ cây cói là truyền thống trăm năm của mảnh đất Kim Sơn, những sản phẩm này đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với chất lượng tốt, độc đáo, gần gũi với cuộc sống và thiên nhiên.
Người dân Kim Sơn sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ tạo dựng nên nghề trồng, chế biến cói độc đáo.
Để làm nên một sản phẩm từ cây cói là một quá trình lao động sáng tạo, đòi hỏi người thợ phải công phu, tỉ mỉ trong từng khâu, từ chọn cói, phơi cói, chẻ cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan và hoàn thiện sản phẩm.
Đến nay, nghề cói Kim Sơn vẫn được duy trì sản xuất tại hộ gia đình bên cạnh những cơ sở chế biến cói quy mô lớn hơn. Đối với người dân Kim Sơn, nghề chế biến cói là một tài sản quý giá, kết tinh tâm hồn Việt thuần phác.