1. Trang chủ /
  2. Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

thứ bảy, 20/5/2023 00:09 GMT+07
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng với truyền thống hơn 200 năm đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng chính thức là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: TTXVN

Ngày 19/5, tại TP Cần Thơ, UBND quận Thốt Nốt phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức lễ trao Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bánh tráng Thuận Hưng.

Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng đã hình thành và phát triển hơn 200 năm qua, với sự tiếp nối, trao truyền của nhiều thế hệ bà con địa phương để làm nghề và giữ nghề.

Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa.

Người làm bánh tráng Thuận Hưng sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để chế biến. Đến nay, quy trình sản xuất không có nhiều thay đổi trong kỹ thuật pha bột, phơi bánh, nướng bánh... Tuy nhiên, để tăng năng suất và giảm công lao động, người làm bánh tráng truyền thống sử dụng thêm một số máy móc để hỗ trợ sức người như: máy xay bột, máy nạo dừa, máy hấp bánh...

Theo UBND phường Thuận Hưng, trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, nơi đây còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với nhiều du khách, nhất là những du khách thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa của vùng đất Tây Đô.

Với những giá trị văn hóa riêng có mà nghề làm bánh tráng Thuận Hưng mang lại, những năm qua, TP Cần Thơ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con địa phương duy trì sản xuất và bảo tồn làng nghề.

Một số hình ảnh về nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng (Ảnh TL):

Việc làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ sở quan trọng để địa phương nghiên cứu, đề xuất, định hướng biện pháp bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan tại làng nghề. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động và đưa thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng vươn xa.