Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học về đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp
TS. Nguyễn Xuân Thu – Giám đốc Học viện Tư pháp thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài báo cáo sơ bộ về kết quả nghiên cứu. Trong đó nêu tính cấp thiết, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Đề tài và kết cấu, nội dung chính của báo cáo tổng hợp kết quả đề tài.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc đã đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp mới về phát triển giáo dục, đào tạo; cải cách tư pháp gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp. Gần đây, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đưa ra nhiều quan điểm, giải pháp liên quan tới nguồn nhân lực tư pháp trong đó có đội ngũ các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết có liên quan, việc đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp cần gắn liền với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta và hướng tới việc xây dựng nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhận thức được yêu cầu này, thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp) đã có nhiều đổi mới trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp và phương thức đào tạo. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, còn khá nhiều việc phải làm, từ việc nhận diện chính xác các yêu cầu của Nghị quyết đối với hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đến việc xác định và thực hiện các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo.
Trong bối cảnh đó, đặc biệt gắn với việc triển khai Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề lý luận, thực tiễn, đề xuất giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo của Học viện trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII là việc làm cần thiết. Đây là những vấn đề mới, mang tính thời sự chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống trong các công trình khoa học đã công bố.
Do đó, việc triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” có ý nghĩa cấp thiết nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong thực tiễn hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp (Học viện Tư pháp).
Đề tài nghiên cứu hướng đến mục đích làm rõ những yêu cầu mới đặt ra cho hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; làm rõ thực trạng hoạt động đào tạo các các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp so với những yêu cầu đó, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp.
Đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là vấn đề nghiên cứu mới, việc nhận diện cụ thể các yêu cầu của Nghị quyết đối với hoạt động đào tạo của Học viện từ đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp là vấn đề không đơn giản. Ngoài Phần mở đầu, Kết luận chung, Danh mục tài liệu tham khảo, Báo cáo tổng hợp kết quả Đề tài được kết cấu gồm 03 chương: Chương 1. Những vấn đề lý luận về đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chương 2. Thực trạng hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp trước yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chương 3. Nội dung, giải pháp, điều kiện đảm bảo và lô trình đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá, Ban chủ nhiệm Đề tài đã thực hiện nghiên cứu nghiêm túc, công phu, đề xuất nhiều điểm mới đáng ghi nhận. Đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá những vấn đề lý luận về đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đề tài cũng đã đề xuất các giải pháp có tính khả thi nhằm đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tất cả các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí xếp loại xuất sắc cho Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Thay mặt Ban chủ nhiệm Đề tài, ông Nguyễn Xuân Thu cảm ơn các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá xuất sắc cho kết quả nghiên cứu Đề tài “Đổi mới hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Đề tài được nghiệm thu sẽ là tài liệu để các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý tham khảo, các cơ sở đào tạo pháp luật sử dụng làm tài liệu trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, mô hình đào tạo cán bộ tư pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là tài liệu có giá trị hỗ trợ cho việc hoàn thiện chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp tại Việt Nam.