1. Trang chủ /
  2. Ngọc Thiên và vụ “phù phép” 848 tấn quặng thành mặt hàng miễn thuế

Ngọc Thiên và vụ “phù phép” 848 tấn quặng thành mặt hàng miễn thuế

thứ hai, 29/8/2022 08:19 GMT+07
(PLM) - Mới đây, được một trang mạng có bài cho rằng là “một trong những đơn vị uy tín trên thị trường, thành công trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh kim loại màu”; có “hành trình “cá chép hóa rồng””; là “một trong những đơn vị đứng đầu ngành với quy mô xuất khẩu gần 128,7 triệu USD/năm”; “khẳng định uy tín và vị thế”… nhưng thực tế cho thấy, Cty TNHH Ngọc Thiên (trụ sở thôn Đông Mai, xã Chi Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) từng vướng vụ án tai tiếng khi lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế xuất khẩu; khai báo gian dối sai tên hàng hóa xuất khẩu nhằm mục đích trốn thuế.

Giữa tháng 5/2020, Công an Hải Phòng phối hợp Đoàn trinh sát số 01 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ 30 container hàng hóa của Cty Ngọc Thiên đang chuẩn bị xuất khẩu, với khối lượng thực tế 848 tấn quặng kim loại tại cảng Nam Hải Đình Vũ.

CQĐT sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Đỗ Hồng Hạnh (SN 1984, lúc này là Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Cty Ngọc Thiên; bà Hạnh cũng là con dâu của bà Tạ Thị Tần) về tội “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”.

“Hô biến” quặng kim loại thành… chì dạng thỏi

Theo Bản án số 103/2021/HS-ST ngày 16/7/2021 của TAND Hải Phòng, Cty Ngọc Thiên có TGĐ là bà Tần; có 4 Phó TGĐ là bà Hạnh, ông Trịnh Phan Thiên (con trai bà Tần, chồng của bị cáo Hạnh – NV), ông Trịnh Phan Diễn và bà Lại Thị Vân. Ngọc Thiên có 1 nhà máy xử lý chất thải nguy hại và sản xuất kim loại màu, 25 lò nấu kim loại tại thôn Đông Mai.

Cuối 2011, Bộ Tài chính có Công văn 15963/BTC-CST hướng dẫn thủ tục ưu đãi miễn thuế xuất khẩu theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP cho Ngọc Thiên. Theo đó, với việc xuất khẩu mặt hàng là chì dạng thỏi được sản xuất trực tiếp từ nhà máy của Ngọc Thiên từ bình ắc quy đã qua sử dụng, thì Ngọc Thiên được miễn thuế.

Từ 2016, bà Tần cho con trai (ông Thiên) và con dâu (bà Hạnh) quản lý điều hành hoạt động của 13 lò nấu kim loại. Ông Thiên, bà Hạnh thành lập VPĐD Cty CP Tập đoàn Ngọc Thiên tại tòa nhà T07 Time City, 458, Minh Khai, Hà Nội, người đứng đầu văn phòng là bà Hạnh.

Khoảng tháng 4/2020, Hạnh thỏa thuận với Ngô Phi (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc) và Nguyễn Thị Mai (ngụ Thái Nguyên) về việc Ngô Phi có lô hàng xỉ thải bismuth là sản phẩm thải loại trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo và nhờ Ngọc Thiên làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 5 triệu đồng/container. Hạnh đồng ý. Như trên đã nói, do Ngọc Thiên được miễn thuế xuất khẩu với mặt hàng chì dạng thỏi và thường xuất khẩu mặt hàng này; nên Hạnh chỉ đạo nhân viên khai báo, làm thủ tục xuất khẩu lô hàng trên thành “chì dạng thỏi”.

Ngày 6/5/2020, Hạnh liên hệ đặt tàu, mượn 30 vỏ container và chì, thuê dịch vụ vận tải, liên hệ với Ngô Phi để đóng hàng tại Thái Nguyên, lập vận đơn với tên hàng “chì dạng thỏi”. Hàng được đóng tại Thái Nguyên, hạ chờ tại bãi lưu giữ hàng hóa của Cty Hà Hưng Hải.

Sau khi có thông tin chuyến tàu, số container, Hạnh chỉ đạo nhân viên Ngọc Thiên khai báo hải quan điện tử nội dung: Người gửi hàng là Cty Ngọc Thiên; người nhận hàng là AmericaMetal Co.Ltd; tên hàng chì dạng thỏi; khối lượng mỗi lô 420 tấn, đơn giá 1562,82 USD/tấn và chuẩn bị hồ sơ lô hàng gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói. Sau đó, hồ sơ được ông Thiên và ông Trịnh Phan Diễn ký, đóng dấu chức danh.

Ngày 8/5/2020, nhân viên Ngọc Thiên mở tờ khai hải quan và dự kiến hàng rời cảng ngày 17/5/2020. Tờ khai hải quan được phân mức kiểm 2 (luồng vàng – Hải quan sẽ miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, chỉ kiểm tra chi tiết hồ sơ) và được thông quan ngày 8/5/2020.

Ngô Phi yêu cầu khi nào tàu chạy thì sửa nội dung vận đơn từ “chì dạng thỏi” thành “đồng cô đặc”; tên người gửi từ Ngọc Thiên thành America Metal Co.Ltd; tên người nhận từ America Metal Co.Ltd thành Yantai Jiya Trandinh Co.Ltd. Hạnh yêu cầu sửa vận đơn vào thời điểm sau khi tàu chạy để phù hợp với hồ sơ, chứng từ xuất khẩu của lô hàng “chì dạng thỏi”, tránh bị kiểm tra phát hiện.

Nhiều lãnh đạo Ngọc Thiên “có tham gia làm hồ sơ, thủ tục” lô hàng

Trước khi tàu chạy, lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra tại cảng Nam Hải Đình Vũ với 20 container hàng hóa (gồm 4 container ở vị trí cầu tàu số 2, 16 container đã cất lên tài) và tại bãi lưu giữ hàng hóa của Cty TNHH Hà Hưng Hải với 10 container. Kết quả kiểm tra, giám sát sơ bộ xác định: Toàn bộ hàng hóa thực tế đóng trong 30 container là dạng quặng, màu vàng đen có tổng khối lượng 848 tấn, không đúng theo khai báo của Ngọc Thiên tại 2 tờ khai hải quan. Kết quả giám định cho thấy số quặng trên có giá trị khoảng gần 4,8 tỷ đồng.

Kết quả giám định hàng trong 30 container đều là quặng kim loại đã được nghiền mịn và đã qua tuyển hóa chất, thành phần gồm: hàm lượng Wolfram cao hơn hàm lượng trung bình trong đá 100 lần, một số nguyên tố khác có giá trị và có thể thu hồi là vàng, bạc, đồng, bismuth… Bản án nhận định hành vi khai báo gian dối sai tên hàng hóa xuất khẩu là chì dạng thỏi nhằm mục đích trốn thuế nên cấu thành tội “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới” theo Điều 189 BLHS.

HĐXX cũng nhận định “tính chất vụ án là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước về xuất nhập khẩu và chính sách quản lý tiền tệ của Nhà nước, xâm hại đến lợi ích quốc gia về kinh tế, làm suy giảm đến ngân sách nhà nước, gây mất trật tự trị an. Chính vì vậy, phải xét xử nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung”.

TAND TP Hải Phòng cũng cho hay trong vụ án trên, thì bà Tạ Thị Tần, ông Trịnh Phan Diễn, ông Trịnh Phan Thiên, bà Trịnh Thị Xuân (đều là người của Cty Ngọc Thiên) “tài liệu điều tra có tham gia trong việc làm hồ sơ, thủ tục để xuất khẩu lô hàng trên”. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hạnh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. TAND TP Hải Phòng tuyên Phó TGĐ Cty Ngọc Thiên, Đỗ Hồng Hạnh, phạm tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Căn cứ khoản 3 Điều 189; điểm s.n khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 57; Điều 35 BLHS; phạt tiền bị cáo Hạnh số tiền 1 tỷ đồng sung ngân sách nhà nước

Với Ngô Phi và Nguyễn Thị Mai, do Hạnh khai được hai đối tượng này thuê vận chuyển nên tòa kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ hành vi để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Chưa nói đến một số vấn đề còn có thể gây tranh cãi trong vụ án trên như vì sao vụ án có nhiều người liên quan nhưng chỉ riêng bị cáo Hạnh bị xử lý; một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận định: “Vụ án là một lời cảnh tỉnh cho các DN khai báo gian dối, cũng là lời cảnh báo cho cơ quan chức năng về một thực tế diễn ra là vẫn có một số DN lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế xuất khẩu để khai báo gian dối, “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm trốn thuế, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hành vi càng không thể chấp nhận khi dư luận rất dị ứng, bất bình với những DN thường hô hào dưới danh nghĩa “bảo vệ môi trường”, nhưng thực chất lại có những hành vi trục lợi”.

 

“Với những DN đã từng vi phạm nghiêm trọng đến mức phải nhận bản án hình sự thì các Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính cần “để mắt”, kiểm tra nghiêm ngặt. Có như vậy thì DN mới không tiếp tục tái phạm”.

“Xác minh nguồn gốc số quặng trong vụ án trên tại Cty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, lô hàng trên là sản phẩm thừa trong quá trình Cty Núi Pháo sản xuất và chế biến quặng bismuth xuất bán với khối lượng 750 tấn. Hàng tiếp tục được bán qua nhiều Cty.

Về phía Nguyễn Thị Mai (Giám đốc Cty Mai Long) khai mua lại và do quen biết nên chào bán cho Hạnh và Thiên. Sau khi bàn giao hàng, Cty Ngọc Thiên vận chuyển hàng hóa đi đâu, sử dụng vào mục đích gì Mai không rõ. Sau khi lô hàng bị công an bắt, Cty Ngọc Thiên mới soạn hợp đồng mua bán gửi cho Mai ký đóng dấu.”

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)