1. Trang chủ /
  2. 'Người dân không bị theo dõi khi dùng thẻ căn cước gắn chip'

'Người dân không bị theo dõi khi dùng thẻ căn cước gắn chip'

thứ tư, 25/10/2023 21:01 GMT+07
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp trong thẻ căn cước.
Luật Căn cước (sửa đổi) sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước những quan ngại về việc thẻ căn cước gắn chip điện tử sẽ bị theo dõi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Căn cước) hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không thể theo dõi được.

Đó là nội dung trao đổi của Bộ trưởng Tô Lâm tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi) trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 25/10.

Không thể theo dõi căn cước gắn chip

Theo ông Tô Lâm, việc xây dựng luật để thực hiện nhiệm vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là đẩy mạnh Chính phủ Điện tử, tiến tới Chính phủ Số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng Số, các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt.

“Việc xây dựng Luật Căn cước là rất quan trọng và cần thiết, không chỉ yêu cầu đáp ứng quản lý, giảm thủ tục hành chính mà còn phát huy giá trị các Cơ sở Dữ liệu trong phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ Chuyển đổi Số,” ông Tô Lâm khẳng định.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dù thẻ căn cước có gắn chip điện tử và mã QR Code thì người dân cũng không cần lo ngại việc bị theo dõi.

“Tôi khẳng định Bộ Công an hay bất cứ cơ quan nào cũng không được theo dõi và không thể theo dõi. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh công dân; những người sử dụng thẻ căn cước không bị bất kỳ tổ chức, cá nhân nào theo dõi. Chúng tôi bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp,” Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Ông cũng cho hay dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng về các thuật ngữ của các nhóm vấn đề; về quyền và nghĩa vụ của công dân, Cơ sở Dữ liệu về căn cước, thu thập cập nhật khai thác dữ liệu thông tin, quy định liên quan đến thẻ căn cước, quản lý người Việt Nam sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch…

Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để tương thích với tên gọi mới của dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất đổi cả tên gọi thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước. Việc thay đổi như vậy sẽ giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…

Ngoài tên gọi, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về nội dung thể hiện trên mặt thẻ căn cước. Trong đó, lược bỏ dấu vân tay, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước," "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh," "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú."

Cân nhắc việc thu thập dữ liệu về mống mắt

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước, Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo Luật này.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật, ngoài ra, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở Dữ liệu căn cước.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Đức phân tích: “Trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.”

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng chung lo ngại về dữ liệu cá nhân, Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đắk Nông chia sẻ: “Về thông tin của cá nhân trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư bao gồm có cả nhóm máu, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai và cũng không thống nhất với Luật Cư trú”.../.