1. Trang chủ /
  2. Người dân và chính quyền địa phương dự lễ khai hạ - cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

Người dân và chính quyền địa phương dự lễ khai hạ - cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

thứ hai, 7/2/2022 17:18 GMT+07
(PLM) - Sáng 7/2, đông đảo người dân và chính quyền địa phương đến lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Ông Bà Chiểu) dự lễ khai hạ - cầu an và xem hát bội đầu năm mới. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dự lễ hạ nêu và khai ấn tại đây.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khai bút đầu xuân. Ảnh: VIỆT DŨNG (SGGP)

Sáng 7/2 (nhằm mùng 7 Tết), tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM) diễn ra Lễ Khai hạ - Cầu an Xuân Nhâm Dần 2022. Đây là lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm vào đầu năm mới với đầy đủ các nghi thức, ước nguyện cho một năm mới bình an.

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Đoàn đại biểu đã dự lễ hạ nêu tại sân cổng Tam Quan. Sau đó dự lễ khai hạ tại nội lăng, trước chánh điện. Lễ Khai hạ - Cầu an Xuân Nhâm Dần 2022 gồm nhiều cuộc lễ như: Lễ hạ nêu, lễ khai hạ đầu năm, lễ khai bút, lễ khai ấn và lễ xây chầu - Đại bội nhằm cầu an cho nhân dân, cầu thạnh cho quốc gia, cầu cho TPHCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và phồn thịnh vinh quang.

Trước án thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, người có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc, sau khi làm lễ khai bút đầu xuân, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ:

"Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Để đất nước có được như ngày hôm nay, biết bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu, công sức dựng xây, bảo vệ để cho chúng ta có được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay.

Bổn phận của các thế hệ nối tiếp là phải nhớ ơn, gìn giữ, dựng xây và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Sống, chiến đấu, học tập, lao động, xây dựng và phát triển đất nước xứng đáng với các thế hệ tiền nhân đã ngã xuống cho đất nước này.

Chúng ta cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng cho thành phố chúng ta phát triển ngày càng tốt hơn nữa".

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trước mắt thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11 và nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, cùng chung tay xây dựng đất nước cường thịnh hơn, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

"Mỗi năm chúng ta về đây để tưởng nhớ, tri ân và để nhắc nhở với nhau rằng chúng ta phải tiếp tục cố gắng, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã thành công thì thành công tốt hơn nữa để năm sau luôn luôn phát triển hơn năm trước. Một lần nữa chúng tôi xin hứa với đồng bào, với tất cả các bậc tiền nhân chúng ta sẽ cố gắng hết sức, đoàn kết, chung sức góp phần xây dựng thành phố chúng ta, xây dựng đất nước đàng hoàng, phát triển như nghị quyết chúng ta đề ra" - ông Nên nhắn nhủ.

Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tết Âm lịch hàng năm là một điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TPHCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa được tổ chức tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...

Lễ Khai hạ Cầu an tại Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: VIỆT DŨNG (SGGP)

Theo ông Trần Văn Sung, phó ban quản lý khu di tích Lăng Ông Bà Chiểu, cho biết năm nay ngoài phần lễ còn có phần hội là hát bội do đoàn hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh biểu diễn phục vụ khách tham quan.

Năm nay do phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên buổi lễ sáng nay có giới hạn số người đến tham dự, nhưng buổi lễ vẫn long trọng với các nghi thức như hằng năm.

Được biết, từ giao thừa đến nay đã có hơn 30.000 lượt khách thập phương đến dâng hương, cúng bái, tham quan, chụp ảnh lưu niệm, giảm khoảng 20% so với Tết những năm trước do tình hình dịch bệnh.