1. Trang chủ /
  2. Người “gieo mầm” tình yêu Vật lí

Người “gieo mầm” tình yêu Vật lí

thứ ba, 5/12/2023 00:43 GMT+07
“Cô có biết cuốn sách “Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ” không ạ?. Khi thấy tựa sách, con nghĩ ngay tới cô, người luôn động viên, ủng hộ chúng con, dù đôi khi chính chúng con cũng không đủ tự tin vào khả năng của mình và dễ dàng nản chí…”. Đó là những dòng tâm tình trong bức thư tay đầy yêu thương của một học sinh gửi tới cô giáo Đặng Thị Thùy Nga (giáo viên Vật lí Trường Trung học cơ sở Giảng Võ, quận Ba Đình).
Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga

Hết lòng vì học sinh

Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga sinh ra và lớn lên tại thành phố Hải Dương, trong một gia đình có bố mẹ đều là quân nhân. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô may mắn được học những thầy cô tuyệt vời - những người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn hết mực yêu thương học trò. Cũng từ sự kính yêu, ngưỡng mộ này, mong muốn được trở thành cô giáo cứ lớn dần lên trong cô.

Năm 2002, cô thi đậu khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm tháng ở giảng đường đại học, cô vừa đạt nhiều thành tích, vừa là cán bộ Đoàn nhiệt huyết. Tình cờ biết câu chuyện các em nhỏ ở làng trẻ em SOS, cô đã tình nguyện trở thành người chị, người thầy dạy những em nhỏ đặc biệt đọc chữ, làm toán, học kỹ năng sống. Suốt 4 năm trời, từ tình yêu trẻ thơ, lớp học nhỏ của cô giáo Nga trở thành điểm hẹn tri thức của đám nhỏ ở làng trẻ em.

Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga
Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga

Tốt nghiệp ra trường, cô Nga trở thành giáo viên của Trường Trung học phổ thông Văn Hiến - ngôi trường đặc biệt nhận nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ở ngôi trường này, nhiều học sinh phải ở với ông bà do bố mẹ bỏ nhau, bố mẹ đi tù hay làm công việc không ổn định. Trong 4 năm công tác, cô thường xuyên dạy miễn phí ôn tập cho nhóm lớp yếu kém của nhà trường, hỗ trợ các em ôn thi tốt nghiệp.

Đến năm 2010, cô Nga chuyển công tác về Trường Trung học cơ sở Giảng Võ. Lúc này, không còn là nữ sinh tuổi đôi mươi đầy sôi sục tuổi trẻ nhưng chính kinh nghiệm qua các lớp học đặc biệt đã giúp cô chinh phục được học sinh.

Nắm bắt tâm lý học trò, cô đề ra phương pháp dạy học mới mẻ, sáng tạo, đó là để các em tự khám phá, giáo viên chỉ định hướng, gợi ý, không áp đặt suy nghĩ. Nhờ vậy niềm say mê với Vật lí nói riêng và các môn Khoa học Tự nhiên của học sinh trong lớp nói chung lớn dần. Ban Giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp tin tưởng, giao cô phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Những giải học sinh giỏi cấp quận, cấp Thành phố, những tấm huy chương cấp quốc gia, quốc tế liên tiếp ùa về.

Tuy vậy, cô Nga mong muốn học sinh hình thành năng lực, phẩm chất bắt kịp yêu cầu của giáo dục thời đại mới như xu hướng giáo dục STEM. Từ năm 2014, cô đã cùng các giáo viên khác xây dựng, phát triển Ngày hội STEM và Sách, đồng thời xây dựng 3 Câu lạc bộ gồm Stem Mộc, Stem Robotic, Stem Science thu hút được hàng nghìn lượt học sinh tham gia.

Năm học 2022 - 2023, cô đã hướng dẫn miễn phí, kèm hỗ trợ 100% học liệu 20 buổi (50 giờ) cho học sinh trong trường khi tham gia Ngày hội STEM “Amazing Race” của Giảng Võ. Từ các đóng góp đó, liên tiếp nhiều năm, cô giáo Đặng Thị Thùy Nga vinh dự đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Lao động tiên tiến, Giấy khen “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, Giấy khen Bồi dưỡng Học sinh giỏi Vật lí và Khoa học cấp Thành phố…

Lan tỏa trái tim nhân ái

Với học sinh, cô được thân thương gọi là “mẹ Nga”, “Gấu mẹ vĩ đại” bởi khả năng “đọc vị” tâm lý các em. Theo cô Nga, học sinh nào cũng đều mơ mộng về tương lai tươi đẹp nhưng không tránh khỏi những lúc chơi vơi, bất an, khủng hoảng, tự ti. Những lúc đó, cô lại là “chuyên gia tâm lý”, là người các em luôn tin yêu chia sẻ mọi tâm tư. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ, chăm lo cho học trò cả tinh thần và thể chất.

Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga cùng các học sinh.
Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga cùng các học sinh.

Bên cạnh giúp đỡ học sinh, cô Nga cũng rất tích cực trong các hoạt động từ thiện giúp đỡ học sinh và cộng đồng khác. Khi còn là chủ nhiệm lớp 9A9 niên khóa 2010 - 2014, biết hoàn cảnh em Nguyễn Quỳnh Anh có mẹ ung thư giai đoạn cuối, gia đình hoàn cảnh khó khăn, cô và Ban phụ huynh gây quỹ ủng hộ, hỗ trợ em học phí, tiền học bồi dưỡng ôn thi vào lớp 10.

Hằng năm, cô còn tham gia nhiều đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ biển đảo,ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19... Theo cô Nga, bản thân giáo viên tích cực tham gia thiện nguyện sẽ truyền động lực cho các em về tình yêu thương, trao đi để nhận lại.

Để học sinh hiểu hơn về tình thương, cô còn dẫn các em tham gia các chương trình “Bữa ăn cho em”, “Trung thu hồng” tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhờ hai chương trình này, hơn 1.000 em mắc bệnh hiểm nghèo đã được hỗ trợ, số tiền khoảng 120 triệu đồng. “Đó là một cách tự nhiên, thuyết phục nhất để học sinh hiểu được tinh thần đồng cảm, sẻ chia, tương thân, tương ái”, cô Nga bày tỏ.

Có thể nói, nếu như phải tìm một điều quan trọng nhất làm nên cô Đặng Thị Thùy Nga hôm nay thì đó là tinh thần cống hiến. Tinh thần ấy đã bắt rễ trong cô từ ngày còn thơ ấu, soi sáng cho cô trong những năm tháng tuổi trẻ và giờ đây, khát khao cống hiến vẫn mạnh mẽ trong cô. Nhờ có tinh thần ấy mà cô làm gì cũng hết mình. Hết mình học tập, hết mình nghiên cứu, tích cực tìm tòi, sáng tạo về chuyên môn, hết mình trong từng bài giảng, chỉ lỗi, dẫn dắt và yêu thương mọi người vô điều kiện. Từ đó, năng lượng tích cực sẽ lan toả trong những người xung quanh, gieo các khát vọng sống vì cuộc sống tốt đẹp hơn.