1. Trang chủ /
  2. Người lao động Công ty Hoàng Hưng mòn mỏi chờ quyết định của tòa

Người lao động Công ty Hoàng Hưng mòn mỏi chờ quyết định của tòa

thứ ba, 26/4/2022 10:49 GMT+07
(PLM) - Nhiều công nhân từng làm việc tại Công ty Cổ phần Cơ điện Hoàng Hưng (Công ty Hoàng Hưng) đang mòn mỏi chờ quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM để được giải quyết các chế độ hưu trí, bảo hiểm, thai sản... Tòa chậm ra quyết định, công ty không giải quyết, người lao động chịu thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn, bế tắc.
Hàng trăm người lao động Công ty Hoàng Hưng đang chờ quyết định của tòa để được hưởng chính sách. Ảnh: Nguyễn Hiên Hàng trăm người lao động Công ty Hoàng Hưng đang chờ quyết định của tòa để được hưởng chính sách. Ảnh: Nguyễn Hiên

Gần một năm mòn mỏi chờ tòa

Theo phản ánh của nhiều người lao động làm việc tại Công ty Hoàng Hưng (trụ sở tại quận 7, TP HCM), dù các nữ công nhân đã nghỉ thai sản nhưng hiện chưa được giải quyết chế độ. Bên cạnh đó, công ty chưa thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để công nhân được hưởng chế độ theo quy định.

Chị Lê Thị Thảo Nguyên (35 tuổi, trú tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết, đã gắn bó, làm việc tại Công ty Hoàng Hưng gần 10 năm. Gần đây, chị nghỉ sinh con nhưng công ty chưa giải quyết hết chế độ thai sản. Đang nuôi con nhỏ hơn 4 tháng và một bé trai 9 tuổi, 3 mẹ con đều trông chờ vào khoản lương 10 triệu đồng/tháng của chồng, vì không có nguồn thu nhập khác, cuộc sống của chị Nguyên và gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

"Đến nay, công ty mới tạm ứng một phần số tiền chế độ thai sản, số còn lại vẫn đang... nợ. Nhiều người như tôi rất bức xúc, vì không được hưởng chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi được lãnh đạo công ty động viên, giải thích và cam kết sau khi TAND TP HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty, Ban Giám đốc sẽ ưu tiên giải quyết chính sách người lao động. Vì vậy, chúng tôi mong chờ lắm’’, chị Nguyên chia sẻ và nói thêm: “Khi đi khám thai, tôi không được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), tôi thấy mình thiệt thòi quá! Thời điểm này công ty nộp đơn mở thủ tục phá sản nên hy vọng khi sinh con, tôi được hưởng chế độ thai sản, nhưng đến nay em bé gần 5 tháng, tôi vẫn tiếp tục chờ... Chỉ mong tòa sớm giải quyết cho công ty để chúng tôi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống”.

Bà Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Hưng thừa nhận phản ánh trên của người lao động và cho biết, đến nay công ty chỉ còn gần 80 lao động. Trước đây có hơn 300 lao động nên số tiền công ty nợ rất lớn. Cộng dồn từ giữa năm 2019 đến tháng 11/2021, nợ BHXH gần 8 tỷ đồng, đến 1/2022 nợ thuế hơn 3 tỷ đồng. Chính vì vậy, các chế độ phải có của người lao động không được đảm bảo… họ rất bức xúc và có lời lẽ căng thẳng, không hay. Cũng có những người thấu hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng công ty trong giai đoạn khó khăn và mong chờ đến ngày tòa có quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty.

“Rất nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đi làm để mong được thu nhập ổn định, sau bao nhiêu năm làm việc cống hiến lúc về già sẽ được hưởng lương hưu, hay khi đau ốm sẽ được bảo hiểm, hỗ trợ chi phí, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Do dịch bệnh kéo dài, công ty gặp khó khăn... nên đã không đảm bảo được quyền lợi của người lao động, đặc biệt là không chốt được sổ BHXH cho các trường hợp đã nghỉ việc. Hiện nay, một số người đi khám bệnh không sử dụng được thẻ BHYT”, bà Hiên trần tình.

Bà Hiên cho biết thêm, công đoàn đã phối hợp với Ban Giám đốc, bộ phận tổ chức hành chính nhân sự của công ty đã tìm mọi biện pháp để sớm giải quyết và chăm lo cho người lao động… nhưng lực bất tòng tâm, vì đơn vị không có khả năng thanh toán các khoản nợ, đặc biệt là khoản nợ cho BHXH. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hồi tháng 5/2021 là giải pháp cuối cùng, để người lao động được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, đến này đã gần 1 năm, tòa vẫn chưa có quyết định mở thủ tục phá sản cho công ty.

Công ty cũng chờ tòa

Lý giải vì sao Công ty Hoàng Hưng lại đề nghị TAND TP HCM mở thủ tục phá sản, đại diện công ty cho biết, do các đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đơn vị lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đã mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ, như bảo hiểm, thuế... trong đó lớn nhất là khoản nợ hơn 300 tỷ của các ngân hàng.

"Bất đắc dĩ chúng tôi phải thực hiện thế này. Chúng tôi còn có nhiều đối tác, việc mở thủ tục phá sản ảnh hưởng rất lớn đến công ty, nhưng không có sự lựa chọn khác. Công ty đề nghị mở thủ tục phá sản cũng là phù hợp với quy định pháp luật”, đại diện Công ty Hoàng Hưng chia sẻ và cho biết: Ngày 4/5/2021, công ty đã gửi đến TAND TP HCM đơn yêu cầu thủ tục phá sản (đã nộp phí phá sản) vì đã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Các khoản nợ chứng minh Công ty Hoàng Hưng mất khả năng thanh toán, sao tòa chưa ban hành quyết định. Ảnh: Nghiêm Lan 

Công ty Hoàng Hưng gửi kèm các tài liệu chứng cứ liên quan theo quy định của Luật Phá sản 2014 và ghi rõ chủ nợ, các khoản nợ... Tuy nhiên, hơn 8 tháng sau, ngày 8/12/2021, TAND TP HCM mới gửi “thông báo thụ lý bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”, trong khi Khoản 1, 2, Điều 42 của Luật Phá sản nêu rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của luật này" (Công ty Hoàng Hưng không thuộc trường hợp này).

Văn bản số 199, hướng dẫn của TAND Tối cao, Mục số 1 hướng dẫn: Tiêu chí xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là chỉ cần có 1 khoản nợ quá 3 tháng không thanh toán được. Khi đó thẩm phán phải ban hành quyết định mở thủ tục phá sản ngay theo Khoản 2, Điều 42.

Mới đây, ngày 19/4, tại TAND TP HCM, Công ty Hoàng Hưng đã có buổi làm việc trực tiếp với thẩm phán (thụ lý hồ sơ) về việc nộp đơn mở thủ tục phá sản và việc chọn doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tham gia thủ tục phá sản.

Trong buổi làm việc, Công ty Hoàng Hưng cũng đề nghị tòa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản để sớm tái cấu trúc lại hoạt động và thanh toán các khoản nợ lương, BHXH cho người lao động trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo đại diện Công ty Hoàng Hưng, hiện nay, đơn vị có rất nhiều tài sản nhưng không thể bán để trả nợ. Bên cạnh đó, các cổ đông lớn cũng cam kết sẵn sàng bổ sung nguồn vốn cho công ty và những khoản này, trước tiên, công ty sẽ trả nợ các khoản liên quan đến người lao động, sau đó tái cấu trúc. Tuy nhiên, những việc này chỉ thực hiện được sau khi tòa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản.

"Theo quy định, phải có quyết định mở thủ tục phá sản, lúc đó các khoản nợ được cơ cấu thì công ty mới được bán tài sản. Có quyết định này, các cổ đông lớn mới có cơ sở để bổ sung thêm nguồn vốn”, đại diện Công ty Hoàng Hưng giải thích.

Cũng theo đại diện Công ty Hoàng Hưng, tòa chậm ban hành quyết định mở thủ tục phá sản không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến công ty, mà có thể gây hậu quả vô cùng khủng khiếp. Hồi cuối tháng 3, một chủ nợ đã thuê giang hồ đến công ty hành hung, dọa nạt nhân viên. Trước đó, năm 2020, một chủ nợ khác cũng thuê một công ty đòi nợ nhiều lần đến trụ sở Công ty Hoàng Hưng gây áp lực cho nhân viên, cũng may những sự việc này không ảnh hưởng đến tính mạng của nhân viên công ty, công an phường cũng kịp thời có mặt để xử lý.

Người lao động Công ty Hoàng Hưng đang đặt câu hỏi: Vì sao gần 1 năm tòa chưa ban hành quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản đối với Công ty Hoàng Hưng, trong khi theo quy định là 30 ngày? Câu hỏi này xin gửi tới TAND TP HCM.

Theo luật sư, thạc sĩ Nguyễn Hữu Đức kiêm quản tài viên Công ty Luật TNHH MTV Hữu Đức và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Vũng Tàu, người lao động luôn là bên yếu thế trong quan hệ lao động.

Người lao động luôn bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động, do đó pháp luật luôn bảo vệ người lao động. Trong trường hợp này, nếu Công ty Hoàng Hưng đã đóng phí phá sản cho TAND TP HCM thì ngay sau khi tòa ban hành quyết định mở thủ tục phá sản, quyền lợi của người lao động cũng sẽ được giải quyết luôn.

Theo Điều 54 Luật Phá sản 2014 về thứ tự phân chia tài sản:

1. Trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã...