1. Trang chủ /
  2. Người lưu giữ và truyền lửa tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc

Người lưu giữ và truyền lửa tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc

thứ tư, 23/8/2023 21:52 GMT+07
Với lòng đam mê, tâm huyết về văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau, Nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Xanh huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là một trong số ít người đã dành cả đời gắn bó, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Sầm Thị Xanh ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là giáo viên nghỉ hưu. Bà được biết đến là một người làm công tác vận động học sinh, người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Châu.

Sau khi về hưu theo chế độ, không như đa phần những người về hưu là dành hết thời gian cho con cháu và chăm lo ruộng vườn an nhàn tuổi “xế chiều”, bà đã tham gia mở lớp, truyền dạy văn hóa, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái cho các cháu học sinh trong bản, trong làng, phối hợp với các trường học “đưa văn hóa dân tộc Thái vào các tiết học ngoại khóa”.

thai-3.jpg
Nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Xanh tham gia hát nhuôn tại đêm giao lưu kỷ niệm ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Theo chân các em học sinh và giáo viên trường tiểu học Châu Tiến tham gia một buổi sinh hoạt ngoại khóa vào dịp hè. Buổi sinh hoạt ngoại khóa này được mở rộng đề tài cũng như khuôn khổ về địa điểm tổ chức đó chính là tham quan và trải nghiệm một số hoạt động sinh hoạt cũng như nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến.

Tại đây, các em đã được NNƯT Sầm Thị Xanh - Thành viên CLB bảo tồn văn hóa Thái hướng dẫn tham quan các gian hàng trưng bày thổ cẩm, cách se tơ để tạo nên sợi dệt và tham gia vào các hoạt động ném còn, nhảy sạp, đánh cồng chiêng.

thai-2.jpg
Với kinh nghiệm là giáo viên về hưu nên bà có cách thức tổ chức mở và dạy lớp bài bản, khoa học dễ hiểu.

Em Sầm Thị Lệ Sương, học sinh lớp 4A1, Trường tiểu học Châu Tiến, huyện Quỳ Châu thích thú chia sẻ: “Em đến đây được bà Xanh dạy học hát nhuôn, nhảy sạp, đánh cồng chiêng và học vài nét về chữ Thái. Em rất vui và muốn học được nhiều hơn nữa để lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái chúng em”.

Thời gian công tác ở trường học, cô giáo Sầm Thị Xanh ngày ấy là hạt nhân văn nghệ được nhiều người biết đến. Ngoài tham gia văn nghệ ở trường học, bà đã nhiều lần từng mang điệu nhuôn, điệu xuối dân tộc Thái đi giao lưu văn nghệ cấp huyện và cấp tỉnh.

Về nghỉ hưu theo chế độ năm 2010, bà dành nhiều thời gian hơn với niềm đam mê văn hóa văn nghệ. Năm 2011, bà tham gia học lớp học chữ Thái cổ. Một năm sau đó bà tự mình nghiên cứu kỹ hơn về chữ Thái cổ này và cùng với các thành viên trong CLB bàn bạc đưa ra quyết định mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái cho các em học sinh, người dân tại địa phương. Đích thân cá nhân bà đã xin với chính quyền địa phương phối hợp với đoàn thanh niên xã mở lớp học chữ Thái vào các dịp hè cho các cháu học sinh.

Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, bà Sầm Thị Xanh cho biết, giai đoạn này các ông, các bà gặp nhiều khó khăn, vất vả từ trong chính gia đình của mình bởi con cái cũng không muốn cho bố hay mẹ mình “vác tù và hàng tổng” khi đa phần các cụ sức khỏe có hạn.

Cùng với đó, nhiều gia đình cũng không cho con theo học bởi vì muốn con học tập trung vào học các môn văn hóa trong trường học. Nhiều người còn cho rằng học văn hóa Thái là học hát nhuôn, hát xuối không cần thiết bởi xã hội khi phát triển, sẽ ít người còn nghe và không cần phải hiểu sâu văn hóa dân tộc thiểu số.

Thế nhưng với tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, các thành viên CLB văn hóa dân tộc Thái đã không quản ngại khó khăn, đến từng nhà để vận động phụ huynh và học sinh về hè tham gia học văn hóa Thái.

Cũng có một vài thời điểm nản lòng, thế nhưng bà Sầm Thị Xanh lại động viên các thành viên trong CLB dùng sự nhiệt huyết, trách nhiệm để giữ gìn một nét văn hóa truyền thống cần bảo tồn.

Gần 12 năm cố gắng vận động, kiên nhẫn, kết quả thấy rõ mà CLB mang lại đã thật sự thay đổi được suy nghĩ trước đây của người dân. Bây giờ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã trở thành một phong trào lan rộng khắp làng trên, xóm dưới.

Mỗi dịp có lễ hội của làng, của bản, những nét văn hóa dân tộc như sắc phục dân tộc, hát nhuôn, xuối, chơi các trò chơi văn hóa dân gian, nhảy sạp, khắc luống là điểm nhấn, là niềm tự hào của mỗi người dân bản Hoa Tiến và của cả xã Châu Tiến.

Khi được hỏi về kinh nghiệm tổ chức truyền dạy văn hóa dân tộc, bà Sầm Thị Xanh cho biết, may mắn là từ một nhà giáo về hưu nên bản thân có được sự yêu văn hóa và cả kỹ năng tổ chức lớp học.

Đối với bà để những nội dung truyền dạy in sâu vào tâm trí của các cháu học sinh và người theo học phải tùy từng đối tượng, nhưng quan trọng nhất lớp học phải thật sự cởi mở vui vẻ thì người học mới dễ hiểu và dễ nhớ.

Vì vậy, khi đứng trước học viên dạy học chữ Thái, các ông, các bà trong CLB cũng đã tổ chức dạy cho các cháu học hát lăm, hát nhuôn, múa lăm vông, nhảy sạp, khắc luống, đánh cồng chiêng, tạo nên một không gian “học mà chơi, chơi mà học.”

Tính từ năm 2013 đến 2023, NNƯT Sầm Thị Xanh tham gia cùng CLB mở được 21 lớp học chữ Thái với 170 cháu học sinh đọc thông viết thạo, trong đó có nhiều lớp được Ban dân tộc Tỉnh tổ chức truyền dạy cho các xã khác.

Mỗi dịp được tổ chức lớp học ở các xã khác trên địa bàn huyện là dịp để bà được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân nơi khác, học thêm kinh nghiệm và phát hiện thêm các hạt nhân văn hóa dân tộc Thái cho ngành văn hóa.

Những đóng góp xây dựng các lớp dạy văn hóa Thái ở xã Châu Tiến tạo cho hoạt động sinh hoạt đoàn - đội của xã Châu Tiến được coi là điểm sáng về sự sáng tạo, có ý nghĩa vừa học văn hóa dân tộc mình vừa có sân chơi bổ ích cứ mỗi dịp hè.

thai-4.jpg
Nghệ nhân ưu tú Sầm Thị Xanh còn là biên đạo các tiết mục diễn xướng nghi lễ truyền thống tham gia văn nghệ ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Chị Lãnh Thị Giang, Phó Bí thư đoàn xã Châu Tiến, cho biết: “Mỗi dịp tổ chức mở lớp của NNƯT Sầm Thị Xanh các đoàn viên, thanh niên đều tham gia đông đủ nên đã hiểu được rất nhiều những lễ nghi, phong tục tập quán của người Thái cổ trước đây".

Trước đây có một thời gian dài, văn hóa dân tộc Thái nhiều nơi trên địa bàn huyện như bị lãng quên. Các hoạt động văn hóa chỉ thu hút được sự tham gia của những người đã lớn tuổi có đam mê.

Thế nhưng mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là từ khi xây dựng làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến vào cuối năm 2011, UBND huyện và chính quyền xã định hướng kết hợp giữa phát triển du lịch với giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc Thái cổ. Đây là một động lực cho mỗi cá nhân như bà Sầm Thị Xanh có những cố gắng hơn trong việc truyền dạy văn hóa Thái.

Những phong tục tập quán tốt đẹp, nét văn hóa dân tộc bản địa được bà Sầm Thị Xanh biên đạo trở thành những tiết mục diễn xướng để phục vụ các hội diễn văn nghệ các cấp hay biểu diễn cho khách thăm quan tại các Homestay của làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến.

thai-1.jpg
Nghệ nhân tham gia giảng dạy lớp văn hóa dân tộc Thái cho đoàn viên thanh niên.

Nhiều khách đến đây khi được khám phá, hiểu thêm về một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng có đều cảm thấy hứng thú. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều đoàn khách tham quan và trải nghiệm, khám phá, thưởng thức từ cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và ẩm thực của làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến.

Trong 12 năm dành đam mê với việc lưu giữ, truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, bà Sầm Thị Xanh được chính quyền địa phương xã Châu Tiến và ngành văn hóa huyện ghi nhận, đánh giá cao với các giấy khen các cấp. Đó là nguồn động viên để bà tiếp tục cống hiến đóng góp sức khỏe, tâm huyết với việc truyền dạy, lưu giữ văn hóa dân tộc trong thời gian tới.

Trong cuối câu chuyện trải lòng về đam mê phát triển văn hóa Thái, bà Sầm Thị Xanh nói: “Tình yêu và sự say mê không tự nhiên mà có, cũng không bỗng nhiên mất đi. Tôi tin văn hóa truyền thống như mạch nguồn âm thầm chảy trong đời sống cộng đồng, chỉ cần thực tâm kiên trì khơi dậy sẽ đạt kết quả”.