1. Trang chủ /
  2. Người 'tái sinh' nụ cười, mang cuộc đời mới cho những đứa trẻ 'bị giấu đi'

Người 'tái sinh' nụ cười, mang cuộc đời mới cho những đứa trẻ 'bị giấu đi'

thứ hai, 27/2/2023 13:36 GMT+07
“Hơn 10.000 ca mổ thành công là hơn 10.000 lần tôi được cảm nhận sự hạnh phúc", đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, người được ví như "ông bụt" mang đến nụ cười, cuộc đời mới cho những đứa trẻ không may bị sứt môi chẻ vòm.
TS.BSCKII. Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đang khám cho bệnh nhi

hững đứa trẻ "bị giấu đi"

Trong ngành y, hiếm ai không biết đến TS. BSCKII. Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người đã dành 35 năm gắn bó với những đứa trẻ sinh ra bị khiếm khuyết.

Bế con đến bệnh viện tìm bác sĩ Đẩu điều trị bệnh sứt môi hở vòm bẩm sinh, chị H.P.N (ngụ quận 4, TP HCM) trải lòng chia sẻ những mất mát mà đứa trẻ phải chịu. Song, trước khi ra về, chị không quên cẩn thận dặn dò rằng không muốn bất kỳ hình ảnh hay thông tin về con và gia đình xuất hiện trên truyền thông.

“Từ khi con được sinh ra tới bây giờ tôi luôn giấu kỹ bé trong nhà, không để ai tiếp xúc. Cháu bị như vậy chỉ có hai vợ chồng tôi biết thôi, tôi không muốn bị dị nghị. Khi nào con được trị khỏi, tôi mới dám mang bé ra bên ngoài”, chị chỉ rõ nguyên nhân.

Theo lời bác sĩ Đẩu, gia đình chị N. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp muốn “giấu kín” những đứa trẻ mắc bệnh. Và, đây chỉ mới là “phần nổi của tảng băng trôi”.

“Người đời thường gieo tiếng ác cho những gia đình có con bị dị tật bẩm sinh, vô tình tạo bức tường vô hình ngăn cản họ trên con đường mang lại nụ cười cho các bé. Kể cả nhân viên y tế, nhiều người không đủ chuyên môn, khi siêu âm thấy bé bị dị tật là khuyên thai phụ bỏ”, nét ưu tư hiện rõ trên gương mặt vị bác sĩ ở tuổi 60.

nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 2
Bác sĩ Đẩu đã dành 35 năm gắn bó, mang lại cuộc đời mới cho những đứa trẻ bị khiếm khuyết

Bác sĩ Đẩu kể, trước đây, một gia đình có địa vị trong xã hội mang đứa cháu trai đầu tiên đến gặp bác sĩ, nhờ trị bệnh sứt môi hở vòm. Để giấu kín, gia đình thường cho bé ở phòng riêng trên tầng cao để không ai nhìn thấy. “Bà con bên ngoại đến thăm, muốn gặp bé thì gia đình nói cháu đã qua nhà nội chơi, bà con bên nội muốn gặp thì lại bảo cháu vừa sang nhà ngoại”.

Thế rồi, sau vài tháng tích cực chữa trị, nụ cười đã trở lại trên môi đứa trẻ, giúp em được “bước ra ánh sáng”, sống một cuộc đời bình thường.

Đến khi người con dâu mang thai lần thứ hai, gia đình phát hiện cháu bé cũng mắc dị tật bẩm sinh như anh trai.

nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 3
Bác sĩ Đẩu thường là người đến khoa sớm nhất và cũng ra về muộn nhất

“Gia đình tiếp tục đến gặp tôi và bàn kế hoạch chữa trị cho bé thứ hai. Tôi nghĩ rằng việc đứa con đầu được chữa thành công sẽ xoá đi tâm lý nặng nề và họ sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, biết mình nên phối hợp thế nào để giúp bé. Vậy mà thông qua một người hàng xóm của gia đình họ, tôi vô tình biết được cô con dâu đã huỷ khi thai nhi bước vào tháng thứ 7. Toàn thân tôi lúc đó run rẩy, buông tách trà đang uống”, bác kể, giọng chất chứa nhiều nỗi niềm.

Bác sĩ Đẩu nói rằng, áp lực dư luận quá lớn, khiến người ta có thể bỏ sinh linh trong bụng người phụ nữ, trong khi hoàn toàn biết có thể cho bé một cuộc sống bình thường, thậm chí toả sáng.

“Các em nhỏ bị dị tật bẩm sinh, nếu để ý sẽ thấy đôi mắt của các con rất đẹp, có tài năng nghệ thuật, dáng người cao, nhảy giỏi… Tạo hóa không lấy đi hết của ai tất cả”, bác sĩ Đẩu nói.


nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 4
"Nếu để ý sẽ thấy đôi mắt của các con rất đẹp", bác sĩ Đẩu bộc bạch

Trong một lần xem truyền hình, bác sĩ bị thu hút bởi những bước chân uyển chuyển, gương mặt đầy biểu cảm của cô bé người mẫu nhỏ tuổi. Thoạt nhìn, bác thấy gương mặt của bé rất quen. Chưa đầy 5 phút sau, bác sĩ Đẩu sực nhớ đó là bé An Nhiên (4 tuổi) - đứa trẻ mà chính tay bác phẫu thuật hơn 3 năm trước.

Theo chị Vy (mẹ của bé An Nhiên), trước đây bé có khiếm khuyết sứt môi - hở hàm. Bản thân chị đã từng sụp đổ, cho đến khi gặp bác sĩ Đẩu.

“Bác sĩ đã kiên nhẫn phân tích để tôi yên tâm dưỡng thai. Khi bé Nhiên chào đời, bác sĩ Đẩu lại tiếp tục tìm cách chỉnh sửa, điều trị cho bé. Lúc đầu tôi không dám tin con gái mình có nụ cười đẹp đến như vậy”, chị bày tỏ sự biết ơn dành cho vị bác sĩ.

10.000 ca mổ là "10.000 lần tôi hạnh phúc"

Năm 2013, bác sĩ Đẩu đứng ra làm cầu nối giữa tổ chức phi chính phủ Smile Train (Hoa Kỳ) với Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Từ đó, tổ chức này tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật, ăn uống, đi lại cho bệnh nhân và người nhà. Bản thân bác sĩ Đẩu cũng chính tay thực hiện những cuộc phẫu thuật miễn phí.

nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 5
Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đã thực hiện thành công hơn 10.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ hở môi vòm trong 10 năm qua

Đến tháng 8/2022, tổ chức Smile Train tiếp tục hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm đầu tiên tại TP HCM. Vì vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ phát triển trung tâm này trở thành một mô hình mẫu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chăm sóc toàn diện dị tật khe hở môi vòm. Ngoài ra, trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu và đào tạo cho các bác sĩ ở khu vực phía Nam và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Nhờ sự đồng hành của tổ chức, tập thể đội ngũ Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu đã thực hiện thành công hơn 10.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi chẻ vòm trong 10 năm.

nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 6
Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu vinh dự nhận giải "Thành tựu y khoa Việt Nam" vì đã "trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ sứt môi chẻ vòm" - Nguồn: NVCC

Ngày 23/2 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu vinh dự nhận giải "Thành tựu y khoa Việt Nam" vì đã "trả lại giọng nói và nụ cười cho 10.000 trẻ sứt môi chẻ vòm".

Khi được hỏi đến mong ước lớn nhất cuộc đời mình, bác sĩ Đẩu mong rằng xã hội sẽ hiểu đúng về căn bệnh này, để từ đó đồng hành với bệnh nhi, gia đình và đội ngũ y tế. "Đó không phải trách nhiệm của riêng ngành y tế mà của cả xã hội", vị bác sĩ nhấn mạnh. 

nguoi tai sinh nu cuoi mang cuoc doi moi cho nhung dua tre bi giau di hinh 7
Thay vì về hưu, bác sĩ Đẩu chọn viết tiếp sứ mệnh cao quý của mình

“Hơn 10.000 ca mổ thành công là hơn 10.000 lần tôi được cảm nhận sự hạnh phúc. Chúng tôi nhận được rất nhiều từ bệnh nhi, nụ cười rạng rỡ của các em đã tiếp thêm, tái tạo năng lượng cho tôi và các bác sĩ. Tôi may mắn khi còn được làm nghề, được đào tạo thêm nhiều thế hệ bác sĩ trẻ, nhận được sự quý trọng từ đồng nghiệp. Tôi cảm thấy đã nhận đủ rồi”, thay vì về hưu, bác sĩ Đẩu đã chọn viết tiếp sứ mệnh cao quý.