Nguyễn Ái Quốc với Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin
Cuộc cách mạng có sức hấp dẫn lớn
Cuối năm 1917, khi Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, Cách mạng Tháng Mười đã thành công. Cách mạng Tháng Mười mở ra một trang mới trong lịch sử nước Nga và thế giới, đánh dấu một xu thế phát triển xã hội mới. Một số nhà yêu nước, nhà cách mạng ở phương Đông khi đó tuy cũng bày tỏ mối thiện cảm với Cách mạng Tháng Mười như Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Phan Bội Châu (Việt Nam)... song không chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - chủ yếu vì họ chưa đánh giá đúng được tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng đó với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước phương Đông.
Chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhanh chóng nhận thấy đây là một biến cố lịch sử lớn, có sức lôi cuốn, thức tỉnh quần chúng vì lần đầu tiên nhân dân lao động lập được chính quyền của mình. Với bề dày trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn và sự nhạy bén về chính trị, Nguyễn Tất Thành từ "nhận thức cảm tính", thông qua nghiên cứu sách báo, tài liệu đã có những nhận thức sâu hơn về Cách mạng Tháng Mười.
Cùng với sự nhận thức về "mười ngày rung chuyển thế giới" (chữ của John Reed viết về Cách mạng Tháng Mười, 1919) mở ra một thời đại mới, Nguyễn Ái Quốc còn nhận ra sự cần thiết đoàn kết cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc ở Đông Dương với cuộc đấu tranh của nhân dân đang bị áp bức ở các nước thuộc địa khác.
Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười với các dân tộc thuộc địa, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"(1).
"Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế"(1)
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tia sáng đầu tiên của dòng ánh sáng
Năm 1919, trong Đảng Xã hội Pháp nổ ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề: Nên ở lại Quốc tế II hay tham gia Quốc tế III? Quốc tế II bị chủ nghĩa sô-vanh làm tha hóa trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã không còn vai trò tiên phong và cách mạng. Quốc tế III (Quốc tế cộng sản) do V.I.Lênin sáng lập tháng 3/1919 tạo ra bước chuyển biến trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ 20. Cho đến khi nổ ra những cuộc tranh luận đó, Nguyễn Ái Quốc chưa đọc tác phẩm nào của V.I.Lênin. Điều Nguyễn Ái Quốc muốn biết nhất là Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc?
Trong hai số liên tiếp ngày 16 và ngày 17/7/1920, báo L’Humanité (Nhân đạo) đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (Luận cương) của V.I.Lênin. Luận cương này sẽ được V.I.Lênin trình bày tại Đại hội II Quốc tế cộng sản họp từ ngày 19/7 đến ngày 7/8/1920. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc một tài liệu đề cập trực tiếp và mạnh mẽ về những điều Người khát khao đi tìm.
Trong Luận cương của mình, V.I.Lênin vạch rõ rằng phải: "phân biệt thật rõ rệt những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che giấu việc tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có, nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính, - sự nô dịch này là đặc điểm của thời đại tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc" (Luận cương)(2).
Điều được V.I.Lênin nhấn mạnh trong Luận cương là phải xác lập mối quan hệ và tình đoàn kết đấu tranh trên thực tế giữa phong trào công nhân tại các nước tư bản với phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa, các nước chậm phát triển.
Theo V.I.Lênin: "điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản" (Luận cương). Bởi vì "...nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng" (Luận cương).
Cũng theo V.I.Lênin, nước Nga Xô-viết khi đó: "tập hợp chung quanh mình, một mặt là các phong trào của công nhân tiên tiến ở tất cả các nước ủng hộ nhà nước xô-viết; và mặt khác là tất cả các phong trào giải phóng dân tộc trong các thuộc địa và trong các dân tộc bị áp bức mà kinh nghiệm đau đớn đã làm cho họ tin chắc rằng đối với họ không có con đường cứu vãn nào khác ngoài sự chiến thắng của Chính quyền xô-viết đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới" (Luận cương).
Luận cương của V.I.Lênin đã tạo cho Nguyễn Ái Quốc cảm xúc mạnh mẽ. Những luận điểm của V.I.Lênin về những vấn đề dân tộc và thuộc địa trong bối cảnh mới của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới được luận giải trong Luận cương đã làm cho Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba.
Những luận điểm này đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của Nguyễn Ái Quốc trước câu hỏi: Đứng về Quốc tế nào? Người đã có câu trả lời rõ ràng: Đứng về Quốc tế III của V.I.Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy trong tư tưởng của V.I.Lênin sự ủng hộ và nguồn sức mạnh vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong nửa cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã "xông vào các cuộc tranh luận" trong Đảng xã hội Pháp ở Paris-như sau này Người kể lại. Với sự giúp đỡ của các đồng chí như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier, Mongmusso... dần dần Nguyễn Ái Quốc đã có được những nhận thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin. Những hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận đã rèn luyện thêm bản lĩnh chính trị của Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 30/12/1920, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III(3). Từ thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên chính thức là một chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Ngày 30/12/1920, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III(3). Từ thời điểm đó, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên chính thức là một chiến sĩ đấu tranh cho lý tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong bóng tối dày đặc của chủ nghĩa thực dân, từ một người yêu nước nhiệt thành, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ cách mạng tiên phong, trở thành một người cộng sản.
Sự gặp gỡ như một tất yếu lịch sử
Nguyễn Ái Quốc đã đi một con đường hoàn toàn khác với những con đường các nhà cách mạng trước đó đã đi. Khi đó không chỉ có một mình Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước, không chỉ có một mình Nguyễn Ái Quốc muốn cứu nước. Nhưng chỉ Nguyễn Ái Quốc tìm được con đường đúng đắn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khi đến với chủ nghĩa Lênin.
Đó là quyết định quan trọng thứ hai sau quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước - quyết định đưa cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam theo con đường của Cách mạng Tháng Mười.
Bắt đầu từ cuộc Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin, sau đó tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc không chỉ "sáng tỏ", "tin tưởng" mà còn khẳng định rằng đó là chủ nghĩa "cách mạng nhất, chân chính nhất". Thế giới trong những năm 20, 30 của thế kỷ 20 còn có nhiều chủ nghĩa, nhiều học thuyết khác nhưng trong Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc sớm khẳng định cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc Việt Nam sẽ đi theo con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, theo con đường Cách mạng Tháng Mười.
"Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin"(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Người viết: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin"(4).
Tư tưởng yêu nước truyền thống cùng với khát vọng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khi ra đi tìm đường giải phóng dân tộc đã có thêm những yếu tố mới của thời đại và gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu. Sự gặp gỡ này phản ánh nhu cầu đang đặt ra của lịch sử là xác định một con đường đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc là người đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này. Con đường này đã được khai mở từ quyết tâm tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rồi được dòng ánh sáng tư tưởng của Lênin và hiện thực của cuộc Cách mạng Tháng Mười soi rọi.
(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr 387.
(2) Những đoạn trích Luận cương... dẫn từ V.I.Lenin Toàn tập - Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1977 (Tiếng Việt), tập 41, tr. 197 - 206.
(3) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2006, tập 1, tr 112.
(4) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 2, tr 304.