1. Trang chủ /
  2. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Vẽ chân dung được chia sẻ, dù là nghiệp dư”

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Vẽ chân dung được chia sẻ, dù là nghiệp dư”

thứ năm, 3/3/2022 13:40 GMT+07
(PLM) - Mai hết dịch. Lời chào lúc chia tay/ Đầy tin tưởng, lạc quan, và hứa hẹn. Hai câu thơ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã thể hiện tinh thần, ý chí của ông khi phải đối diện với căn bệnh tai biến và đại dịch COVID quái ác. “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến… và đặc biệt yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp.

Là một cây phóng sự được nhiều bạn đọc yêu thích, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955, nghỉ hưu từ 2015) nguyên Ủy viên BCH, Phó Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam (khóa 8-9), Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo kiêm giảng viên báo chí của một số cơ sở đào tạo báo chí trong nước.

Từ tháng 4/2021, trong thời gian điều trị bệnh tai biến và bị cách ly do đại dịch Covid, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã quyết tâm thực hiện chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút”. Ông say mê viết văn, viết báo, in sách, giảng dạy trực tuyến… và đặc biệt yêu thích việc vẽ chân dung các đồng nghiệp, bởi thế đã có khoảng 400 bức chân dung đã ra đời. Tranh áp phích tuyên truyền chống dịch của ông đã được một số báo đài và tạp chí in làm trang bìa và giới thiệu trận trọng; Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem các họa tiết chống dịch này in trên các mẫu áo dài thời trang và ra mắt công chúng giữa năm 2021. Dù vẫn còn mang tính chất nghiệp dự, song tranh của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người xem ghi nhận và đánh giá cao bởi có phong cách và đậm tính thời sự, đồng thời toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách có phần nghiệt ngã nhất .

Chia sẻ về cơ duyên đến với con đường hội họa, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết: “Tôi được sinh ra trong một gia đình làm báo, lớn lên trong khu tập thể báo Nhân Dân ở Hà Nội. Suốt cuộc đời tôi gắn với cây bút, không may sau này tôi bị bệnh khi về hưu, bị cách ly vì dịch bệnh Covid-19, trong thời gian đó tôi thấy màu, bút vẽ của con gái mục đích ban đầu là vẽ “chơi” khi có thời gian rảnh. Xem tranh được bạn bè đồng nghiệp và động viên, làm báo mấy chục năm nay, nhưng cầm bút vẽ mới được vài tháng nay.Sau ba tháng nằm giường bệnh, khi ngồi dậy được tôi bắt đầu vẽ, một ngày tập trung vẽ được vài tấm, đến nay đã vẽ được khoảng 500 tấm”.

Về lý do chọn thể loại vẽ chân dung, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng hóm hỉnh: “Thứ nhất là đang dịch bệnh, mình lấy ảnh bạn bè trên Facebook để vẽ cho đỡ nhớ, thứ hai là chân dung nói được nhiều điều, mình vẽ xong mình tặng bạn bè thì mình lại kết nối được với bạn bè, thứ ba là cái thần của con người nó hiện lên trong bức hình, thì nó không khác gì mình trò chuyện với mọi người. Tôi vẽ những người tôi có kỷ niệm, vẽ những người tôi có ấn tượng, vẽ những người tôi có tình cảm, nên rất nhiều câu chuyện khi tôi vẽ tôi nói thầm với họ rằng ở mỗi bức tranh tôi đều kể chuyện về người đó. Giống như 2 câu thơ của Evptusenko: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Ai cũng có câu chuyện của họ hết nên vẽ chân dung rất thích, khi tặng được thì mối thân tình giữa mọi người cũng thân thiết hơn rất nhiều. Đó là cái kết nối của một người đang bị bệnh cũng như là đang bị cách ly bởi COVID, không biết làm gì hơn. Khi ấy vẽ một bức tranh phong cảnh, hay tĩnh vật chẳng để làm gì cả, nhưng vẽ một con người lại ra hẳn một câu chuyện, và mai mốt khi chúng ta nhớ về nhau là có một câu chuyện”.

Ông “vua phóng sự” thập niên 90 nhấn mạnh: “Vẽ chân dung là mình có nhân vật, nó vui hơn, nó hay hơn, như vẽ những tranh khác tôi biết chia sẻ với ai? Chắc chắn là nghiệp dư quá rồi, chẳng ai chia sẻ. Nhưng mà vẽ chân dung được chia sẻ, dù là nghiệp dư!”.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 – 21.4.2022), Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Nhà báo vẽ” cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid của tác giả Huỳnh Dũng Nhân. Triển lãm gồm 2 cụm tranh chính: Chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4) và sưu tập Tranh áp phích chống dịch và Mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và Nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.

Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tiếp nhận bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trao tặng

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Ngoài tài năng làm báo, làm thơ, viết sách…, hôm nay chúng ta còn được thấy một tài năng khác của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là tài năng hội họa. Ngắm nhìn những bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung các nhà báo tiền bối và chân dung các đồng nghiệp, những người bạn của anh, chúng ta thấy được tình cảm của anh gửi gắm trong đó. Công chúng còn được ngắm những bức tranh áp phích tuyên truyền chống dịch đậm tính thời sự, những bức vẽ toát lên niềm lạc quan, bản lĩnh và tình cảm sâu sắc của một nhà báo trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách khắc nghiệt đặc biệt là trong thời gian tác giả bị tai biến và cách ly do đại dịch Covid 19. Khi gặp bệnh trọng anh đã vượt lên hoàn cảnh, lựa chọn cách sống tích cực, lạc quan và luôn vươn lên trong cuộc sống. Thế giới màu sắc của Huỳnh Dũng Nhân là thế giới tình cảm, nhân văn, là hướng tới cái đẹp và tình yêu thương con người. Càng thấy rõ anh tha thiết yêu nghề, yêu người, khi cầm bút lẫn khi cầm cọ”.

NSND, Đạo diễn, họa sỹ Hà Bắc, người bạn thân hơn nửa thế kỷ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận định: "Đối với tôi, anh Huỳnh Dũng Nhân Nhân là một người bạn hơn nửa thế kỷ, 55 năm quen nhau, chúng tôi học với nhau từ bé, anh Nhân học trên tôi nhưng mà cùng sinh hoạt những năm 1967-1968 ở miền Bắc máy bay Mỹ ném bom, phải đi sơ tán, lúc đi lúc về, nhưng chúng tôi vẫn vẽ rất hăng say khi học ở trường Năng khiếu Nghệ thuật. Tôi cho rằng những chân dung anh Huỳnh Dũng Nhân vẽ không cái nào giống cái nào, mỗi cái một vẻ, mang chất hồn nhiên rất cao, luôn luôn cảm xúc trước mọi con người. Trong hội họa vẽ chân dung là cái vẽ khó nhất, bởi nếu anh không nên thần, không tìm được cái đặc điểm riêng của nhân vật thì rất khó. Ở đây, anh Nhân bằng tài năng và thủ pháp nghệ thuật của mình anh đã vẽ, và ra được cái thần, nét độc đáo riêng của mỗi nhà báo, rõ ràng gây ấn tượng cực kỳ tốt. Tôi luôn nói nghệ thuật như là miếng da lừa, khi anh có rồi thì anh viết văn cũng hay mà anh vẽ cũng tốt, anh làm thơ cũng được, một khi anh đã có tài năng, thì anh Nhân là một người cực kỳ tài năng, mà hơn nữa anh còn là người có bầu nhiệt huyết tuyệt vời".

Nhắc đến kỷ niệm với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái cũng vô cùng xúc động: "Anh vẽ tôi hai lần, lần thứ nhất là năm 1997, khi anh chụp ảnh với tôi trong một chuyến đi thực tế ở Yên Bái của Hội Nhà văn, anh đã vẽ ảnh của tôi lúc ấy là Thiếu tá, trong quyển sổ hiện nay tôi vẫn còn giữ sau 25 năm. Vừa rồi khi tôi lên Thiếu tướng, anh lại vẽ cho tôi một bức ảnh nữa, tôi cảm thấy rất vui, anh vẽ tôi đúng là... một người tử tế".

Chân dung các nhà báo được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khắc họa: