1. Trang chủ /
  2. Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết là để trở về, giải tỏa những phiền muộn của năm cũ

Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết là để trở về, giải tỏa những phiền muộn của năm cũ

chủ nhật, 11/2/2024 10:53 GMT+07
Giờ đây trong mỗi người, cảm nhận về Tết Nguyên đán dường như đã rất khác. Còn với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, “ngày Tết là những ngày thiêng liêng, đẹp đẽ để trở về chính ngôi nhà của mình - nơi đầy ắp ký ức kỉ niệm, bao sự ấm áp khác và nhớ về nguồn cội”.
Bánh chưng ngày Tết. Nguồn: TL

Trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo và Công luận xung quanh cách nhìn về Tết, nhà văn - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ:

1. Tết Nguyên đán là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt trong một năm, đây là thời điểm kết thúc một năm cũ, đón chào năm mới, đón chào những vận hội mới, suy nghĩ mới và cảm xúc mới. Mỗi một dân tộc có cách đón Tết khác nhau. Người phương Tây đón Tết theo một cách khác. Những người phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam,… họ đón Tết theo lịch khác hoàn toàn.

nha van  nha tho nguyen quang thieu tet la de tro ve giai toa nhung phien muon cua nam cu hinh 1
Nhà văn - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tôi từng đón Tết Dương lịch ở một số nước Mỹ - Latin, Mỹ, Ireland… Các nền văn hóa khác nhau và đón Tết trong những không gian, thời gian khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là ở đó hội tụ sự thiêng liêng của một dân tộc. Bởi vì, họ đang đi hết một chu trình của một năm và họ chuẩn bị bước sang một năm mới với đầy cảm hứng mới, niềm tin, dự định và những khát vọng.

Vì vậy, Tết chính là một cơ hội để con người trở về với những vẻ đẹp, nguồn cội của dân tộc mình. Tết đến gần như một phép thiêng, hóa giải đi những phiền muộn, mâu thuẫn, những cách trở giữa con người với con người. Chính Tết đã gắn kết tình cảm giữa con người với nhau trong một cộng đồng, xã hội, cơ quan và đoàn thể.

Theo tôi, khoảng thời gian để lại nhiều cảm xúc nhất là những ngày giáp Tết. Và tất nhiên, tôi có quan sát cộng đồng, quan sát những người Việt Nam và đặc biệt là vùng Bắc Bộ này những ngày trước Tết cho đến lúc Giao thừa bắt đầu đến, thì đó là khoảnh khắc đầy cảm xúc, thiêng liêng và mang nhiều ý nghĩa nhất.

Đối với tôi, thời điểm trước Tết là khoảng thời gian ấn tượng rất nhiều. Lúc đó, tôi có thể chuẩn bị trở về, ngay cả những người làm xa thành phố thì họ luôn đợi chờ những ngày nghỉ của một năm để trở về quê hương ăn Tết. Đây là khoảng thời gian mà người ta háo hức nhất được trở về với chính ngôi nhà mà mình được sinh ra, lớn lên, chính ngôi nhà mà có quá nhiều ký ức - nơi mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ từng sinh ra, lớn lên, lao động, cống hiến, chia sẻ và yêu thương.

Bởi vậy, khoảng thời gian được trở về ngôi nhà của mình ăn Tết là khoảng thời gian kỳ diệu. Thậm chí, nhiều người Việt Nam hiện nay cho rằng thời gian chuẩn bị đón Tết mới là điều diệu kỳ, còn khi Tết đến rồi và đặc biệt sau Giao thừa cũng là niềm vui nhưng không thiêng liêng, xúc động và đặc biệt như lúc mà người ta chuẩn bị cho một cái Tết no đủ.

2. Với những quan niệm khác nhau hiện nay về chuyện đón Tết, rằng nên chăng đón Tết nhẹ nhàng nhưng vẫn tràn ngập niềm vui và hiếu lễ, tôi cho đây là một cách, bởi hiện nay có rất nhiều gia đình họ đã thay đổi, trong những năm tháng chúng ta còn bao cấp thì khó khăn vô cùng. Tôi nhớ lại, hồi đó người ta thường chuẩn bị một ít gạo, nước mắm, gói hạt tiêu, gà, măng… và họ phải chuẩn bị rất nhiều, bởi thời đó thiếu thốn quá nhiều nhưng vẫn cố gắng để làm sao có một cái Tết đầy đủ, để sắp một mâm cơm trọn vẹn dâng lên cúng ông bà, tổ tiên.

Ở hiện tại, đời sống vật chất khấm khá hơn, một người có thể nghỉ buổi sáng hay buổi chiều, qua chợ hay siêu thị là có thể sắm đầy đủ nguyên liệu để đón Tết. Tuy nhiên, bây giờ nhiều gia đình không còn chuẩn bị những thứ cho Tết quá cầu kỳ và phức tạp như trước. Họ giảm bớt đi nhiều dù những thứ truyền thống tất nhiên vẫn phải có trên mâm cỗ Tết như: bánh chưng, hoa đào (mai phía Nam), mâm ngũ quả,…

Cũng có những gia đình thường chuẩn bị đồ ăn nấu trong những ngày Tết thì bây giờ họ giảm bớt, đơn giản đi rất nhiều. Hay là một vài nghi lễ Tết như cúng đêm Giao thừa, đi chùa hay thăm bố mẹ thì cũng giảm thiểu các cách thức. Vì vậy, tôi cho rằng Tết Nguyên đán không thể thay đổi, nhưng chúng ta cần thay đổi cách thức để đón Tết một cách vui vẻ, giảm thiểu đi những cầu kỳ, bận rộn, nặng nề.

Tôi thấy rằng có một số quan điểm khác nhau về kỳ nghỉ Tết cổ truyền, rằng tại sao nghỉ dài thế, nhưng tôi cho đó là hợp lý. Trước hết, phải hiểu rằng chúng ta là người phương Đông, nên rất cẩn thận trong mối quan hệ xã hội, quan hệ dòng họ, làng xóm láng giềng… Cá nhân tôi năm nào cũng về quê ăn Tết từ sớm, và phải ít nhất mất 2 ngày để tôi đi dọc từ đầu làng đến cuối làng, từ cuối làng đến đầu làng để thăm những gia đình thầy cô cũ còn sống, bạn bè, rồi đến chi, họ trong dòng họ, nội ngoại cô dì chú bác…

Thứ hai là sau một năm làm việc vất vả, nhiều lo nghĩ, họ cũng muốn có cái Tết rộng rãi hơn để đi thắng cảnh, thăm bạn bè… thậm chí để nghỉ ngơi bằng cách thức nào đó ngay tại nhà mình, để hưởng thụ mùa Xuân một cách bình tĩnh nhất để được suy ngẫm, chia sẻ, đón những gì hay ho, ý nghĩa nhất của một năm mới.

Dịp nghỉ Tết tôi thường ở quê, bởi một năm cũng bận rộn nên tôi không có thời gian về quê nhiều. Tôi muốn nán lại ở quê dài hơn để có một thời gian khai bút về một vấn đề gì đó… Chính vì thế, tôi muốn nghỉ Tết nhiều hơn một chút, vì khoảng thời gian đó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.

3. Không có Tết tôi cảm thấy nó trống rỗng lắm. Cho nên, rất nhiều người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hàng nửa thế kỷ nay vẫn đón Tết Tây ở chính nơi họ định cư. Khi đến Tết cổ truyền của dân tộc, họ vẫn chuẩn bị những điều gì đó rất thiêng liêng, họ chọn hướng quay về quê hương mình hình như để bái lậy mảnh đất, tổ tiên của họ.

Từ hồi trẻ cho đến bây giờ (66 tuổi), tôi không bao giờ ăn Tết ở thành phố. Năm nào tôi cũng đợi lịch nghỉ và tôi thích nghỉ nhiều để đi về quê, cùng quét đường, quét ngõ, lau đồ thờ, chuẩn bị bếp núc… Ngay từ khi ba mẹ tôi còn sống và cả khi ba mẹ tôi mất đi thì Tết đến, tôi vẫn đưa vợ, con cái, các cháu về quê ăn Tết. Bởi vì ngày Tết là những ngày thiêng liêng, đẹp đẽ để trở về chính ngôi nhà của mình – nơi đầy ắp ký ức kỉ niệm, bao sự ấm áp khác và nhớ về nguồn cội.

Ở tuổi này, mỗi năm về quê đón Tết, khi bước vào sân nhà mình thôi thì tất cả cảm giác tất cả những người đã mất trong dòng họ của tôi đều trở về. Đặc biệt, làng tôi có phong tục quét dọn hai con đường (một con đường đầu làng, một con đường cuối làng). Dọn đường đầu làng dựng cổng chào để đón người đi xa về ăn Tết, còn con đường cuối làng là đón những người đã chết rồi từ nghĩa địa về ăn Tết.

Thường hai ngày 29, 30 âm lịch là gia đình nào cũng mang hương hoa ra phần mộ cha mẹ, ông bà, tổ tiên để thắp hương mời người quá cố trở về ăn Tết. Cho nên, với cá nhân tôi thì Tết lúc nào cũng thiêng liêng, mang ý nghĩa giải tỏa những điều phiền muộn trong năm cũ, nhưng nó vừa nạp thêm năng lượng trong năm mới, đặc biệt kéo mình nhớ về nguồn cội – nơi đầy sự yêu thương, tôn kính, hiếu thảo.



Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-van--nha-tho-nguyen-quang-thieu-tet-la-de-tro-ve-giai-toa-nhung-phien-muon-cua-nam-cu-post282349.html

Có thể bạn quan tâm