Nhận diện các loài hải sản chứa độc tố chết người
Nhiều vụ ngộ độc do ăn so biển
Ngày 17/3, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân bị ngộ độc do ăn so biển.
Trước khi nhập viện, ông N.V.H (50 tuổi, trú tại phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long) có ăn nửa con so biển vào bữa tối. Sau khi ăn khoảng 4 tiếng, người đàn ông tỉnh dậy phát hiện bản thân có hiện tượng tê miệng, tê chân tay, đi lại khó khăn. Ngay lập tức, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở tốt, còn cảm giác tê tay, yếu chân và đau đầu.
Trước đó vào khoảng cuối tháng 12/2022 tại Khu phố 2, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xảy ra ngộ độc thực phẩm nghi do ăn so biển làm 1 người tử vong.
Thàng 5/2020, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.B. (40 tuổi, ở Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, lơ mơ sau khi ăn so biển. Ngay sau khi vào viện, anh B. đã được các bác sĩ nhanh chóng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính kết hợp truyền dịch, dùng thuốc tăng cường chuyển hóa chất độc.
Theo TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, con so biển, tên khoa học là Carcinoscorpius rotunicauda, có hình dáng giống nhưng nhỏ hơn con sam, chỉ đi một mình (khác với sam thường đi thành đôi). Chất độc trong loài so biển là tetrodotoxin, tác động lên thần kinh trung ương làm tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, dẫn đến tử vong. Chất độc này chịu được nhiệt độ cao, đun sôi, phơi hay sấy khô thì độc tố vẫn tồn tại. Do đó, thịt so biển được đun nấu chín cũng có thể còn tồn lưu độc tố.
Viện Hải dương học cũng đưa ra khuyến nghị sam/so là loài sinh vật cổ có tốc độ sinh trưởng chậm. Máu của sam biển có thể trích xuất chất phát hiện nội độc tố, so biển chứa độc tố chủ yếu là tetrodotoxins và có thể có một lượng nhỏ saxitoxins. Đây là các chất độc thần kinh, rất độc, tỉ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc giải độc đặc biệt. Bệnh nhân khi bị ngộ độc cần được hỗ trợ hô hấp và đưa ngay đến trung tâm y tế để chăm sóc kịp thời đến khi độc tố được đào thải. Đồng thời, Viện Hải dương học cũng khuyến nghị nên cấm sử dụng so biển làm thực phẩm.
Những loài chứa độc tố tetrodotoxins
So biển và sam biển có hình thù giống hệt nhau nên nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra. Do vậy Viện Hải dương học khuyến cáo tốt nhất là không sử dụng cả hai loài này làm thực phẩm. Theo Viện Hải dương học, độc tố có trong con so biển giống với độc tố trong cá nóc.
Ngoài sam biển, độc tố Tetrodotoxin còn có trong một số loài ốc biển. TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, có những loài ốc chứa trong nó chất độc rất nguy hiểm. Các loại ốc gây độc có thể điểm danh là ốc mặt trăng (turban), ốc đụn (the top of shells), ốc tù và (trumpet shells), ốc hương Nhật Bản (ivory snails), ốc trám (oliva), ốc trám (ốc ô liu), ốc bùn ca tút Nassasius castus và ốc bùn hình nón N. conoides…
Ốc bùn răng cưa là loài ốc chứa độc tố Tetrodotoxins. Hàm lượng độc tố thay đổi theo trong từng con ốc, có con ốc chứa lượng độc rất lớn. Người có trọng lượng 50kg chỉ cần ăn 2 - 3 con là bị ngộ độc có thể dẫn đến thiệt mạng. Ốc bùn bóng có tên khoa học là Nassarius glans và có hình dáng giống với ốc hương đen. Ốc bùn bóng thường sinh sống ở đáy biển ven bờ Việt Nam, có chứa độc tố Tetrodotoxin cực mạnh, gây độc kể cả khi thức ăn đã được chế biến.
Độc tố trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc trám được xác định là Saxitoxin. Ốc cối địa lý được Viện Hải dương học Nha Trang xếp vào danh mục "Các loài hải sản độc hại gây chết người". Ở Việt Nam, ốc cối địa lý thường có ở ven biển phía Nam, từ Đà Nẵng đến Kiên Giang và các hải đảo.
Có một số loài ốc bỗng dưng trở nên độc thường là do chúng ăn phải các loài tảo độc tích lũy trong cơ thể, dần dần biến thành độc tố. Độc tố trong ốc biển tùy từng loài, có hai loại chính là: Saxitoxin và Tetrodotoxin. Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn, ốc trám… và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua... Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh, so biển...