Nhân tố mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương Kỳ 1: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Những tín hiệu vui
Xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) là “cuộc chiến” không dừng, không nghỉ, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) để chỉ đạo toàn diện và hiệu quả công tác này tại các địa phương.
Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, ngày 02/6/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Có thể nói, đây là yếu tố tạo nên bước đột phá mới, giúp cuộc đấu tranh PCTN,TC của Đảng và Nhà nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, đồng bộ hơn, gắn kết chặt chẽ hơn giữa “xây” và “chống”. Trong vòng gần 3 tháng, từ khi có Nghị quyết của Trung ương, đến tháng 8/2022, tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và khẩn trương vào cuộc.
Trên “nóng”, dưới cũng ngày càng “nóng” lên
“Có thể thấy, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao (tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021); số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; giờ đây trên “nóng”, dưới cũng ngày càng “nóng” lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua.
Mặc dù còn những khó khăn, tồn tại, nhưng nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có những kinh nghiệm quý, cách làm hay và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC cho biết: các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được hạn chế mà lâu nay chúng ta vẫn nói là “trên nóng, dưới lạnh”. Đặc biệt, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác PCTN,TC; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đồng thời tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm được nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo địa phương, dư luận bức xúc, mà trước đây không xử lý được.
Chỉ trong một năm, sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn... “Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTN,TC ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 5/2023).
Phân cấp, phân quyền cụ thể
Trao đổi với PLVN, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong vòng hơn 1 năm qua cho thấy đây là biện pháp tốt, giúp cho cả hệ thống chính trị làm công tác PCTN,TC có cơ sở pháp lý, có lực lượng để thực hiện, vì PCTN,TC không phải chỉ ở Trung ương mà có cả ở địa phương, thậm chí ở địa phương còn nhiều. “Trước đây, khi chưa có Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chỉ có Ban Chỉ đạo cấp Trung ương và như vậy khi Ban Chỉ đạo Trung ương “nhìn” thấy ở đâu thì “xuống” đó. Qua hơn 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chứng tỏ rằng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất đúng. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã mang lại những kết quả thiết thực, phát hiện, xử lý được nhiều vụ án, vụ việc của địa phương” - ông Ngô Văn Sửu nói.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, lâu nay, chúng ta có chủ trương rất quan trọng không chỉ trong PCTN,TC mà còn trong điều hành kinh tế - xã hội, trong quản lý vĩ mô, đó là sự phân cấp, phân quyền. Và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là một trong những minh chứng cho thấy sự đúng đắn của việc phân cấp, phân quyền.
“Chúng ta trao quyền nhưng cũng giao trách nhiệm, ràng buộc trách nhiệm của các địa phương trong công tác PCTN,TC. Chúng ta đã nói PCTN,TC là của cả hệ thống chính trị nhưng nếu chúng ta không có một mô hình tổ chức phù hợp thì sẽ hạn chế hiệu quả. Do đó, tôi cho rằng việc hình thành được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh với người đứng đầu là Bí thư và những người nắm giữ các vị trí rất quan trọng ở địa phương sẽ ràng buộc trách nhiệm của địa phương trong công tác PCTN,TC... Ở địa phương, cơ sở, người dân sẽ thấy được những vụ việc kéo dài có tính chất điển hình mà không bị xử lý (hoặc do nể nang, do cơ chế hoặc có vấn đề “thoái hóa” trong một bộ phận làm công tác PCTN,TC). Nhưng hiện nay, với vai trò của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chúng ta đã xử lý được. Nhiều địa phương vừa qua thực tế rất chủ động, xử lý rất nhiều, được người dân đánh giá cao” - ông An phân tích.
Trên thực tế, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn, không để xảy ra tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”... Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì công tác PCTN,TC thực sự đã trở thành một phong trào, một xu thế không làm không được, được dư luận, nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, vì đã có nhân tố mới là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong công tác đấu tranh PCTN,TC ở địa phương, cơ sở.
Đáp ứng mong mỏi của nhân dân, cử tri cả nước
Bày tỏ đồng tình và đánh giá rất cao việc Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trong hơn 1 năm qua đã thể hiện rằng PCTN,TC không chỉ là việc của cấp cao, của Trung ương mà là của cả hệ thống chính trị. Một điều rất quan trọng nữa, đó là chúng ta thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kết hợp với nhiều các biện pháp khác, biến những quyết tâm trong PCTN,TC thành hiện thực, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, cử tri cả nước.
Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cũng cho thấy sự chuyển biến trong công tác PCTN,TC, thông qua những số liệu như 2.196 văn bản được các Ban Chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN,TC ở địa phương. Đây là một con số rất ấn tượng. Hay như con số 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo... “Nếu không thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, chắc chắn chúng ta khó đạt được kết quả này, bởi Ban Chỉ đạo Trung ương không thể bao quát, trực tiếp chỉ đạo hết với số lượng lớn như vậy... Những số liệu trên cũng cho thấy hiệu quả công tác PCTN,TC đã được nâng lên rõ rệt”, ông Trịnh Xuân An đánh giá.